Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Nông thôn mới

Xem với cỡ chữAA

THÀNH LẬP CHI HỘI NGHỀ NGHIỆP TĂNG THU NHẬP CHO GIA ĐÌNH HỘI VIÊN

(16:28 | 08/06/2020)

Xã Bàn Tân Định thuộc xã vùng nông thôn sâu của Huyện cách trung tâm Huyện 10 km, toàn xã có 3.109 hộ, số hộ nông dân trong xã đều sản xuất nông nghiêp (trồng lúa nước). Do trình độ học vấn của nông dân đa số còn thấp nên chưa theo kịp khoa học kỹ thuật tiến bộ hiện nay và sản xuất cây lúa nước không có lãi nhiều, đời sống hội viên nông dân gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tình hình sử dụng đất chưa phát huy hết lợi thế và tiềm năng sẳn có. Đất trồng lúa có diện tích lớn nhưng năng suất và chất lượng tuy có hiệu quả kinh tế nhưng chỉ ở mức trung bình.

Trong những năm qua, việc thực hiện chuyển dịch cây trồng trên địa bàn xã Bàn Tân Định được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quan tâm. Bên cạnh đó Hội Nông dân xã đã từng bước vận động nông dân từ độc canh cây lúa chuyển sang trồng màu là bước đột phá lớn của xã. Một trong những mô hình chuyển dịch có hiệu quả và được nông dân hưởng ứng đó là mô hình chuyên canh Dưa leo, Khổ qua trên đất ruộng.  Đây là một mô hình được xem là xóa đói giảm nghèo mang lại thu nhập gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, do đây là mô hình chuyên canh nên cũng có một số khó khăn nhất định trong công tác quản lý dịch bệnh; đầu ra nông sản không ổn định, đa phần các hộ dân đều sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu đời, chưa có điều kiện tiếp thu và áp dụng khoa học kỷ thuật vào sản xuất, sản phẩm trồng trọt chưa đạt chất lượng, năng suất không cao so với tiềm năng trong vùng hiện có, chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng rau tại địa phương.

 

Ảnh: Lễ ra mắt Chi hội Trồng màu ấp Năm Chiến.

 

Từ thực trạng nêu trên, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Bàn Tân Định luôn trăn trở tìm ra biện pháp sản xuất rau màu an toàn và bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho hội viên nông dân. Một trong những lợi thế của xã Bàn Tân Định là địa bàn nằm dọc theo bờ sông có nhiều kênh thủy lợi, ao hồ, nguồn nước ngọt quanh năm rất thích hợp phát triển nghề trồng rau màu tại địa phương. Từ đó, Ban chấp hành Hội Nông dân đã vận động và thành lập Chi hội trồng màu ấp Năm Chiến, chi hội có 30 hộ tham gia với tổng diện tích là 90.000m2 với mục tiêu là sản xuất lúa, rau màu đúng quy trình kỷ thuật, tăng thu nhập bình quân cho mỗi hộ tham gia chi hội từ 150 triệu đồng/năm trở lên.

Từ khi được thành lập đến nay, ngoài sản xuất lúa, chi hội có các loại rau màu như: Dưa leo, Khổ qua, Dưa hấu, Bắp… hàng ngày cung cấp ra thị trường trên 15.000 kg rau xanh các loại, thu nhập bình quân 12.000.000đ/hộ/tháng, cải thiện cuộc sống hội viên chi hội cả về vật chất lẩn tinh thần.

          Trong các kỳ sinh hoạt lệ, ngoài việc được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hội viên nông dân tham gia chi hội trồng màu ấp Năm Chiến còn được phổ biến trao đổi học hỏi kinh nghiệm trồng rau an toàn theo hướng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn chất lượng, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân và khuyến cáo nhân rộng trên địa bàn xã Bàn Tân Định trong thời gian tới.

Vũ Trường-HND Bàn Tân Định (GR)