Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, những năm qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng vật nuôi có gía trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố như: Hoa kiểng, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa…
Nông nghiệp đô thị làm chủ đạo
Bà Cúc đánh giá, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như xuất khẩu, tiêu thụ, giá cả bấp bênh… nhưng GDP nông nghiệp thành phố 6 tháng đầu năm 2015 vẫn đạt 3.551 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Điều đáng mừng là sự tăng trưởng này tập trung chủ yếu ở những cây con chủ lực được thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, như: Hoa lan tăng 9,5% (230ha), bò sữa tăng 2,5% (102.026 con), rau tăng 2,45 (8.722ha)…
Việc nông nghiệp tăng trưởng thông qua mô hình nông nghiệp đô thị được thấy rõ nhất tại ấp Trung Lập Thạnh (Trung Lập Thượng, Củ Chi). Tận dụng hệ thống giao thông nông thôn tốt thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, sản phẩm nông nghiệp và nước kênh Đông đi qua nên bà con trong ấp đã bỏ lúa năng suất thấp chuyển sang trồng rau an toàn cho giá trị kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Cu – một nông dân trồng rau tại đây cho biết, trước đây nguồn thu nhập của nông dân ở đây chủ yếu là nhờ cây lúa (năng suất khá thấp 3 – 4 tấn/ha). Từ khi có nước từ kênh Đông chuyển về, và nhất là khi Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai dự án cánh đồng rau VietGAP ở địa phương thì bà con nông dân đã chuyển sang trồng rau VietGAP. “Trồng rau theo hướng VietGAP bây giờ cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần làm lúa như trước đây”- anh Cu nói. Hiện ấp Trung Lập Thạnh có gần 20ha trồng rau VietGAP với hơn 40 hộ trồng.
Phân tích nguyên nhân GDP nông nghiệp thành phố tăng liên tục trong những năm gần đây, ông Ngô Văn Tiến – Chánh văn phòng Sở NNPTNT thành phố cho rằng, đó là do Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị đang đi đúng hướng kết hợp với QĐ 13 của thành phố (về việc hỗ trợ vốn cho nông dân) phát huy hiệu quả nên giá trị nông nghiệp thành phố phát triển liên tục.
Bảo vệ thành quả
Trước những tín hiệu phấn khởi mà nông nghiệp thành phố đạt được thời gian qua, ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT thành phố cho biết: “Sẽ có những biện pháp để bảo vệ thành quả sản xuất này”. Theo ông Trung, Sở sẽ tiếp tục chủ động thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp để không phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, cây trồng; phòng chống lụt bão, triều cường, úng ngập…
Về chính sách hỗ trợ nông dân, ông Trung cũng cho rằng, sẽ tiếp tục hỗ trợ, bù lãi suất tín dụng theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo QĐ 13 và QĐ 33 (về thực hiện các dự án thuộc Chương trình kích cầu của thành phố). “Chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất mà không vi phạm các cam kết khi Việt Nam ngày càng mở rộng hợp tác với các tổ chức, khu vực kinh tế quốc tế”- ông Trung nói.
Trong khi đó, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, để phát triển nông nghiệp thành phố sắp tới, sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển nhanh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp. Theo ông Võ Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, trước mắt sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản đặc trưng của thành phố như: Rau an toàn, giống heo hướng nạc, giống bò sữa năng suất cao… Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp và hộ nông dân tham gia, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước.
375 triệu đồng/ha/năm
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của thành phố hàng năm có giảm nhưng giá trị sản xuất trên ha đất canh tác vẫn tăng. Giá trị thực tế sử dụng 1ha đất canh tác từ 139 triệu/ha/năm (2009) lên 325 triệu đồng/ha/năm (2014). Ước tính đến cuối năm 2015, giá trị sản xuất trên ha đất canh tác đạt 375 triệu đồng/ha/năm, tăng 15,4% so với cùng kỳ.
Trần Đáng/ Theo Danviet.vn