Kinh tế tập thể ( KTTTT) huyện từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến nay các HTX phát triển tương đối tốt. Tuy nhiên, về mặt lợi ích từng HTX thể hiện chưa cụ thể, sản phẩm tiêu thụ trên thị trường không ổn định, tuy có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế, nhiều HTX hoạt động đơn thuần khâu bơm tát nên hiệu quả mang lại không cao chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các xã viên khi vào THT, HTX.
Từ đó, định hướng các giải pháp phát triển kinh tế tập thể của huyện đến năm 2020 như sau:
Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, học tập quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác. Tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương; Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp của tỉnh, huyện và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2016 - 2020 và các chủ trương, chính sách khác có liên quan.
Hai là, Xây dựng quy hoạch phát triển THT, HTX nông nghiệp
Sáp nhập 16 HTX có diện tích nhỏ, liền kề thành HTX có diện tích lớn (bình quân 01 HTX 107 ha); thành lập mới 15 HTX (bình quân diện tích mỗi HTX 100 ha), đến năm 2020 còn 113 HTX, diện tích sản xuất 11.960 ha, chiếm 25,68% diện tích, trong đó 107 HTX sản xuất lúa, 2 HTX trồng tiêu, 01 HTX làm vườn, 3 HTX trồng rau- màu, 01 HTX chăn nuôi (so với Nghị Quyết đến năm 2020 HTX giảm 27 cái)
Ba là, Định hướng mô hình của HTX, THT trên địa bàn huyện
Định hướng đến năm 2020 huyện tập trung chỉ đạo các HTX sản xuất theo 6 loại mô hình cụ thể như sau: chọn từ 3-5 HTX hoạt động khá sản xuất theo mô hình canh tác lúa thông minh; từ 2- 3 HTX liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị; từ 1- 2 HTX mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; từ 1-3 HTX làm dịch vụ tổng hợp; từ 1-2 HTX mô hình doanh nghiệp tham gia Ban giám đốc HTX; từ 2-5 HTX sản xuất và cung ứng lúa giống và từ 1-2 HTX mô hình sản xuất lúa cánh đồng lớn theo hướng VietGAP. Các HTX còn lại sản xuất theo mô hình từ 2-3 khâu dịch vụ.
Bốn là, Vận dụng các chính sách phát triển KTTTtrên địa bàn
Kết hợp thực hiện các dự án, chương trình có liên quan (Dự án VnSAT, Quyết định 445/QĐ-TTg của Chính phủ và Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ về khuyến nông; liên kết sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và các nguồn vốn lồng ghép đang được triển khai trên địa bàn huyện phục vụ tốt cho phát triển kinh tế tập thể.
Năm là, Tăng cường công tác quản lý nhà nước về KTTT
Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, thành viên HTX, tổ viên THT về vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Kiện toàn, nâng lên chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo kinh tế tập thể, chỉ đạo các ngành chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện đạt kế hoạch.
Sáu là, Xây dựng nguồn nhân lực quản lý điều hành phát triển KTTT
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX cho đối tượng là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, kế toán HTX. Tư duy người quản lý, điều hành cần phải đổi mới, chú trọng các kỹ năng lãnh đạo, cập nhật kịp thời những kiến thức mới, những mô hình hoạt động có hiệu quả.
Hàng năm tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp cho Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, đồng thời đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác và cán bộ HTX, THT, trong đó đào tạo, tập huấn, đào tạo lại cho 100% thành viên ban quản trị, giám đốc HTX; khoảng 70% cán bộ ban kiểm soát, kế toán của các HTX.
Bảy là, Phát huy vai trò của các tổ chức Đoàn thể chính trị, xã hội
Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với trình độ của nông dân.
Vận động nông dân liên kết sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tập thể, phát triển quan hệ liên kết giữa các hộ sản xuất với các cơ sở chế biến, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, ứng dụng chuyển giao công nghệ; liên kết, hợp tác với nhau trong qui trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.