Mưa kéo dài, nông dân lao đao vì lúa ngập úng
(10:28 | 25/07/2018)

        Mưa kéo dài từ đầu tháng 7 đến nay đã khiến hàng ngàn hecta lúa hè thu 2018 trên địa bàn tỉnh bị ngập úng. Nhiều nông dân lâm cảnh trắng tay vì lúa bị ngâm nhiều ngày trong nước, nảy mầm ngay khi chưa được gặt trong khi lúa bán không người mua dù đã được đặt cọc trước đó.

          DẦM MƯA CỨU LÚA

Chiều ngày 18-7, chúng tôi có mặt tại ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp), dù trời đang mưa rất to, nhưng nhiều bà con nông dân nơi đây vẫn khẩn trương gia cố các đập, dùng máy bơm để tháo nước từ ruộng ra để cứu lúa. Tất tả đi trên bờ ruộng, chị Nguyễn Thị Hồng hối thúc chồng đi mượn thêm 1 chiếc máy bơm nữa để cứu 33 công lúa bị ngập úng. Cùng chị Hồng ra tận giữa ruộng, chúng tôi giật mình khi thấy chị cuối xuống hốt một nắm lúa, trên tay chị là những bông lúa đã chuyển sang đen và mọc ra những cây lúa non dài chừng 5cm. Hầu hết lúa trên ruộng nhà chị đều nằm rạp mình dưới làn nước đỏ ngầu của rơm rạ phân hủy. Chị Hồng nghẹn giọng, nói: “Lúa đã huốt ngày thu hoạch hơn tuần nay mà chưa cắt được. Lúa thì lên mọng, kêu giá 4.000 đồng/kg bán cho vịt ăn mà người ta còn chê. Cắt không được mà bán cũng không xong. Vụ này trắng tay rồi”.

-   Ảnh: Ông Nguyễn Ngọc Thái, ngụ ấp Tân Hà A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) gia cố đập ở trạm bơm để tháo nước cứu lúa

Ngược về ấp Tân Hà A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp), chúng tôi gặp chị Vũ Thị Bằng cùng chồng đang hì hục đắp lại con đập tại trạm bơm vừa bị sóng đánh sạt khiến nước từ kênh 1 tràn ngược vô ruộng. Mặt lấm lem sình đất đầy vẻ mệt mỏi, bộ đồ trên người ướt sũng vì vật lộn với con đập nhiều giờ liền dưới mưa, chị Bằng nói như hụt hơi: “Cứ 1 trận mưa là lại nổ máy bơm tiếp. Ngày nào bà con ở đây cũng luân phiên thức khuya canh bơm nước cứu lúa, bơm ngày bơm đêm mà ruộng vẫn không khô nổi”. Hơn 50 năm gắn bó với cây lúa, ông Nguyễn Ngọc Thái, 79 tuổi, ngụ ấp Tân Hà A cho biết chưa bao giờ ông thấy lúa bị ngập úng nhiều như vậy. Ông Thái có 3ha lúa hè thu 2018 cũng đang chịu cảnh đổ ngã hơn 50% vì mưa kéo dài. “Mưa làm lúa sập, giảm chất lượng, chi phí bơm tát tăng, công cắt cũng tăng lên gấp 2 lần”. Nếu như những ngày nắng ráo, giá máy cắt cũng chỉ ở mức 250 ngàn đồng/1.000m2 thì những ngày này giá công cắt cũng tăng lên 500 ngàn đồng/1.000m2 khiến chi phí sản xuất cho vụ hè thu vốn đã cao lại càng thêm tốn kém. Theo tính toán của nhiều nông dân, do mưa kéo dài, chi phí thu hoạch sẽ tăng thêm 600 ngàn đồng/công ruộng do tăng chi phí bơm tác cuối vụ và giá máy cắt tăng.

-   Ảnh : Chị Nguyễn Thị Hồng, ngụ ấp Tân Quới, xã Tân Hiệp A (Tân Hiệp) bên ruộng lúa bị ngập úng nhiều ngày khiến hạt lúa nảy mầm ngay khi còn nằm trên bông chưa thu hoạch. 

CÒ LÚA BẺ KÈO, VÌ SAO?

Không chỉ tối mặt ứng phó với mưa bão, bà con huyện Tân Hiệp như “đang ngồi trên đống lửa” vì lúa tới ngày thu hoạch mà không liên lạc được với cò lúa. Cách nay 20 ngày, cò lúa đặt cọc 200-300 ngàn đồng/1.000m2 và thỏa thuận mua với giá 5.700 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Đến ngày thu hoạch, hầu hết cò lúa đều yêu cầu nông dân giảm giá bán còn 4.000-4.300 đồng/kg đối với lúa thường và 4.600 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao ít đổ ngã nhưng lại chần chừ thu mua trong khi nông dân sốt ruột vì lúa nằm đồng. Ông Phạm Văn Viên, ngụ ấp Tân Hà A, cho biết: “Hồi lúa mới làm đòng, họ (cò lúa) đặt cọc 5.400 đồng/kg lúa tươi, nay thấy lúa đổ ngã họ trả giá xuống còn 4.300 đồng/kg, họ bảo nếu không bán thì thà bỏ cọc chứ không mua. Họ mua bao nhiêu đành bán bấy nhiêu vì hiện rất khó tìm người mua lúa”.

Có ý kiến cho rằng, lúa ngập lâu ngày trong nước khi cân ký sẽ bị tăng trọng lượng, chất lượng hạt lúa lại giảm, nếu xay lúa thành gạo sẽ mất nhiều, hạt gạo dễ bị gãy, dẫn đến mất giá trị nên thương lái giảm giá mua là điều dễ hiểu. Còn bà Nguyễn Thị Hòa, một cò lúa tại huyện Tân Hiệp, cho biết: “Lúa ngập úng bị giảm chất lượng nên chúng tôi không thể thu mua giá cao như đã đặt cọc, thà chúng tôi bỏ cọc, chứ nếu mua giá 5.700 đồng/kg thì chỉ có lỗ nặng”. Bà Hòa còn giải thích thêm, 20kg lúa đẹp khi xay ra sẽ được khoảng 14kg gạo, trong đó gạo tốt chỉ khoảng 10kg. Nhưng lúa bị ngập nước dài ngày rồi thì xay ra tỷ lệ chị còn 5-10kg gạo thôi, trong đó gạo tốt chỉ còn khoảng 3-5kg. Bị rớt tỷ lệ và gạo gãy nhiều như vậy thương lái sẽ bị lỗ.

Lúa bị đỗ ngã nhiều bán giá thấp là điều dễ hiểu, tuy nhiên, đối với những diện tích lúa có mức độ đổ ngã chỉ từ 5-10%, cò lúa cũng không thu mua đúng giá thỏa thuận mà đè giá lúa giảm từ 1.000-1.500 đồng/kg so với thỏa thuận ban đầu khiến nhiều nông dân bức xúc. Đây là biểu hiện “té nước theo mưa”, viện lý do lúa ảnh hưởng mưa bão, giới cò lúa đã cố tình bẻ kèo để trục lợi. Đồng chí Phan Kim Loan - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, cho biết: “Toàn huyện gieo cấy hơn 36.655ha lúa hè thu 2018. Đến ngày 19-7, mưa lớn kéo dài đã làm hơn gần 3.000ha lúa hè thu bị ngập úng và gần 5.500ha lúa thu đông 2018 bị thiệt hại từ 15-35%. Qua rà soát, số diện tích lúa chín bị đỗ ngã, bị thương lái ép giá chủ yếu là giống IR50404 và không có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu”. Đồng chí Phan Kim Loan cho biết thêm, trước mắt huyện đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương vận hành các trạm bơm để tháo, chắt nước khỏi ruộng càng sớm càng tốt để kịp thời cứu lúa bị ngập úng. Đây cũng là dịp để bà con nông dân thấy rõ hiệu quả của việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, sử dụng giống lúa chất lượng cao có đặc tính cứng cây, ít đổ ngã, đồng thời thay đổi thói quen sạ dày để chuyển sang sạ thưa, cấy mạ, giúp lúa cứng cây, hạn chế đỗ ngã vào mùa mưa.

BÍCH LINH