Chú trọng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm
(09:42 | 11/09/2018)

       Tham luận và thảo luận tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-8 vừa qua, nhiều đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong vận động nông dân tham gia kinh tế hợp tác, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

       Hiện huyện Gò Quao có 471 tổ chức kinh tế tập thể, với gần 9.500 hộ tham gia, vượt 3% chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng chí đồng chí Huỳnh Văn Sơn - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Quao, cho biết: “5 năm trở lại đây, Hội đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể huyện, phối hợp các ngành, các xã, thị trấn và Hội Nông dân tỉnh mời gọi nhiều doanh nghiệp uy tín ký hợp đồng bao tiêu cho gần 21.000ha trong các tổ hợp tác, hợp tác xã, bình quân triển khai được 5.200ha/vụ, chiếm 30% diện tích lúa toàn huyện. Từ đó, giúp nông dân tăng lợi nhuận từ 2,5-4,5 triệu đồng/ha/vụ”. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được nông dân huyện Gò Quao đồng tình hưởng ứng và ngày càng được nhân rộng, từng bước khắc phục được tình trạng cò lúa, tư thương ép giá hoặc nông dân mua nhầm vật tư nông nghiệp kém chất lượng, từng bước hình thành vùng chuyên canh, chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Song song đó, huyện Gò Quao còn chú trọng việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng nông sản. 8 tháng đầu năm 2018, 2 sản phẩm khóm Vĩnh Phước A và hồ tiêu Vĩnh Hòa Hưng Bắc đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho 230ha khóm và 230ha nuôi tôm trên địa bàn xã Vĩnh Phước A. 

Đồng chí Đỗ Minh Nhựt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Nếu như năm 2015 toàn tỉnh có 12.86ha thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thì đến cuối năm 2017, con số này đã tăng lên 62.539ha. Có 21 doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên kết sản xuất, kinh doanh, giúp nông dân ổn định đầu vào sản xuất và đầu ra sản phẩm. 100% diện tích nằm trong cánh đồng liên kết áp dụng quy trình sản xuất “1 phải – 5 giảm”, sử dụng giống chất lượng cao, áp dụng sạ thưa còn 80-120kg/ha, giảm lượng giống gieo sạ so tập quán từ 180-250kg/ha.  “Tổng lượng giống gieo sạ theo cánh đồng lớn giảm trên 5.600 tấn/năm, giúp nông dân tiết kiệm tương đương trên 67 tỷ đồng/năm. Lúa chất lượng cao toản tỉnh tăng dần từ 70% năm 2015 lên 75,1% năm 2017”, đồng chí Đỗ Minh Nhựt, cho biết. Về những định hướng tới, đồng chí Đỗ Minh Nhựt cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp Hội Nông dân tỉnh huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ quỹ xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Đồng thời, tỉnh khuyến khích chuyển đổi từ mô hình kinh tế hộ sang kinh tế tập thể mà nòng cốt là các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, nhất là khâu thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm đề nghị Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Nguyễn Hồng Lý – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã nhấn mạnh: “Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ các ngân hàng, doanh nghiệp giúp nông dân có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. “Chỉ khi nào nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, theo chuỗi giá trị, theo đơn đặt hàng, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và định hướng chỉ đạo của địa phương, nhất là phải giữ chữ “tín” trong hợp đồng kinh tế thì mới có thể hạn chế được điệp khúc “được mùa, mất giá” như đã từng xảy ra”, đồng chí Nguyễn Hồng Lý nói.

anh chuyen muc ND 4-9-2018

      Ảnh: Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Chiến Thắng, xã Vĩnh Tuy (Gò Quao) thu hoạch lúa hè thu 2018.

AN LÂM