Đảm bảo mục tiêu dân sinh vùng lũ
(10:06 | 25/10/2018)

       Thực hiện chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ (CTDCVL) theo Quyết định số 1548/QĐ-TTg, ngày 5-12-2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư vùng ngập sâu đồng bằng sông Cửu Long năm 2002, huyện Tân Hiệp đã xây dựng 12 cụm, 4 tuyến dân cư với quy mô gần 110ha, khả năng bố trí 3.745 nền. Cùng với việc tự đầu tư nâng nền vượt lũ, đa phần các hộ dân tại CTDCVL có thể an tâm sinh sống vào mùa lũ, đảm bảo mục tiêu dân sinh vùng lũ Chính phủ đề ra.

         Sau 13 năm xây dựng, các CTDCVL trên địa bàn huyện Tân Hiệp được đầu tư khá hoàn chỉnh, hạ tầng cơ bản như điện, nước, trường học, chợ… đảm bảo khi có lũ lớn các hộ dân vẫn sinh hoạt bình thường. Đến tháng 9-2018, huyện xét bố trí 1.357 hộ/1.399 hộ dân vào ở tại các cụm dân cư, đạt 97% và 1.140 hộ đã dược bình xét bố trí vào ở, đạt 100%; trong đó, số hộ vào ở chiếm 90% số nền được xét bố trí và 85% số nền đã cấp có dân vào ở; cũng như tiếp tục xây dựng một số CTDCVL.

Ảnh: Cụm dân cư xã Tân Hòa (Tân Hiệp).           

Chương trình xây dựng CTDCVL tại Tân Hiệp đã kết hợp nâng cao các trục đường giao thông nông thôn, tạo kết nối tốt với các trung tâm xã, huyện. Một số cụm dân cư phát triển dịch vụ nông thôn, giúp nâng cao thu nhập của người dân với hoạt động buôn bán, dịch vụ. Năm 2005, xã Tân Hội được huyện đầu tư xây dựng cụm dân cư với 106 lô nền, dân đã vào ở đạt 100% từ năm 2008. Ngoài hạ tầng đồng bộ, cụm dân cư xã Tân Hội còn có trường mẫu giáo. Năm 2013 chợ xã được xây dựng gắn với cụm dân cư, quy mô chợ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân với 68 ki ốt kinh doanh các mặt hàng nông thủy sản, bách hóa tổng hợp. Nhờ đó, nhiều hộ dân có điều kiện mua bán, tăng thu nhập. Bà Tạ Thị Gái, hộ dân ở cụm dân cư xã Tân Hội, cho biết: “Năm 2005 tôi dời nhà ra cụm dân cư ở, từ đó không còn lo cảnh nhà ngập mỗi khi nước lũ, con đi học cũng an toàn hơn. Nhờ cụm dân cư có chợ nên chồng tôi mở điểm sửa xe máy, tôi mua bán online nên sống được”.

Đồng chí Nguyễn Văn Giao - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hội, cho biết: “Về cụm dân cư ở trước năm 2005 là những hộ dân có nhà nằm ven các kênh, bị ảnh hưởng bởi lũ hàng năm. Hiện xã đang kêu gọi các nhà đầu tư mở rộng quy mô chợ để đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân ngày càng tăng, đồng thời, kêu gọi đầu tư, tạo mọi điều kiện để các cơ sở sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp về xã để giải quyết việc làm cho dân”.

Các hoạt động buôn bán, giao thương diễn ra thuận lợi trong mùa lũ một phần nhờ các trục đường được nâng cấp vượt lũ, một phần các CTDCVL trên địa bàn huyện Tân Hiệp được nối kết giao thông tốt. Từ ngày về sinh sống tại cụm dân cư xã Tân Hiệp B, chị Trần Thị Thủy có thêm nghề làm bánh bán. Chị Thủy kể: “Hồi mới ra khu dân cư ở, tôi không có nghề nghiệp gì. Nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã chỉ dẫn, cho vay vốn khởi nghiệp nên tôi làm bánh đi bán, cuộc sống giờ đỡ chật vật hơn vì kiếm được 200-300 ngàn đồng/ngày”.

Nhận xét về chương trình xây dựng CTDCVL huyện Tân Hiệp, lãnh đạo các địa phương trong huyện khẳng định đời sống cư dân CTDCVL tốt hơn với hạ tầng đồng bộ, có điện nước, trường học đảm bảo cho học sinh đi học trong mùa mưa lũ; người dân được chăm sóc y tế. Các CTDCVL tuy không bố trí đầy đủ dân cư như dự kiến nhưng đã tạo một quỹ đất để tiếp tục di dời dân đang sống ven kênh, rạch. Việc kết hợp xây dựng trạm xá, trường học, khu thể thao, chợ… góp phần giảm kinh phí khi xây dựng công trình cho nông thôn mới (nếu phải đền bù hiện nay kinh phí rất lớn).

Tuy nhiên, để người dân an tâm về sinh sống tại các CTDCVL vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Xã Tân Hòa có cụm dân cư với 107 lô nền và tuyến dân cư dọc theo kênh Đòn Dông với 82 lô nền, trong đó, số hộ dân về CTDCVL sinh sống chỉ 77 hộ. Đồng chí Nguyễn Hồng Khanh - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hòa, cho biết: “Chỉ thu hút dân vào CTDCVL ở là không thành công, sinh kế mới là yếu tố quan trọng nhất để người dân bám trụ lâu dài. Ngoài ra, hiện nhà ở tuyến dân cư chỉ có cột và mái, để vào ở người dân phải đầu tư thêm 50-100 triệu đồng. Điều này dẫn đến nhiều hộ đã bỏ đi để tìm đất mưu sinh, một số căn nhà bị bỏ hoang”. Theo đồng chí Nguyễn Hồng Khanh, hiện xã nhận 20 đơn của các hộ chính sách, gia đình khó khăn có nhu cầu vào ở tại CTDCVL nhưng không thể bố trí được vì số lô nền đã xét cấp hết, trong khi một số hộ đã nhận lô nền nhưng lại không vào ở hoặc đầu tư tôn nền. Đồng chí Nguyễn Hồng Khanh kiến nghị huyện có cơ chế thu hút doanh nghiệp, nhà máy vào vùng lũ tạo công việc cho cư dân vùng lũ, để từ đó người dân an tâm cư trú trên các CTDCVL vì đã có sinh kế; đồng thời, hạ giá bán các nền sinh lợi, bố trí ngân sách đầu tư nghĩa trang để người dân CTDCVL có nơi chôn cất người thân để người dân an tâm sinh sống, gắn bó lâu dài…

Ảnh: Tuyến dân cư kênh 600, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp).

BÍCH LINH