Trắng đêm mưu sinh
(10:15 | 25/10/2018)

        Giữa đồng nước mênh mông, lần đầu tiên chúng tôi tận mắt chứng kiến hành trình đánh bắt cá giữa đêm khuya của cư dân vùng lũ, mới hiểu phần nào những cực nhọc của bà con sống bằng nghề đặt dớn, thả lưới trong mùa nước nổi.

CHỊU CỰC LÀ CÓ ĂN         

       Sẩm tối, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Thanh Sơn, ngụ ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái (Hòn Đất) ra đồng. Chiếc xuồng nhỏ lắc lư trong cơn mưa nhỏ và tiếng gió rít từng hồi. Ông Sơn tranh thủ thả gần chục tay lưới bắt tôm, cá. Ông Sơn kể, nhà có 5ha đất ruộng nhưng chỉ làm hai vụ lúa, vụ thu đông cho đất nghỉ, ăn phù sa, rảnh thì thả lưới kiếm cá, nhờ đó vụ lúa đông xuân trúng hơn...

Hàng năm, vào mùa nước nổi, ông Sơn lại theo nghề thả lưới, chủ yếu bắt cá rô, cá lóc, cá trê... mỗi ngày kiếm từ 200 - 300 ngàn đồng, sau khi đã để dành mớ cá cho gia đình. Vừa chống xuồng trên cánh đồng nước mênh mông ông Sơn nói: “Nghề này chịu cực một chút là có ăn...”.

Trời tối rất nhanh, mưa mỗi lúc nặng hạt, chúng tôi mắc kẹt giữa đồng và phải trú nhờ trên chiếc xuồng nhỏ của ông Lê Văn Vinh, ngụ xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn (An Giang) đang neo giữa cánh đồng ấp Thái Hưng, xã Mỹ Thái. Với 30 tay lưới 3 màng, ông Vinh cho biết, mỗi ngày có thu nhập từ 400 - 500 ngàn đồng. Tay thoăn thoắt giỡ lưới dính đầy cá rô, cá lóc, cá trê, ông Vinh giãy bầy: “Nghề này phải chịu cực làm đêm, cách 3 giờ đi thăm lưới một lần để cá không chết”. Theo lời ông Vinh, cá rô đánh lưới còn sống bán giá 60 ngàn đồng/kg còn cá chết chỉ 30 ngàn đồng/kg; cá trê, cá lóc cũng vậy. Theo kinh nghiệm của ông Vinh, lưới không thả giữa đồng mà thả cặp bờ ruộng vừa hạn chế giông gió cuốn mất lưới vừa bắt được nhiều cá. Nhà tận tỉnh An Giang, nhưng ông Vinh qua xã Mỹ Thái đánh bắt cá, bởi mực nước bên tỉnh An Giang khá khó bắt cá hơn, trong khi mực nước trên đồng ở huyện Hòn Đất thích hợp cho việc giăng lưới. Trời khuya, mưa ngớt hạt, chúng tôi lại thấy ông Vinh chống xuồng miệt mài thăm mấy tay lưới đã thả, mặc cho gió lạnh luồn vào da thịt.

Ảnh: Nửa đêm, anh Nguyễn Văn Em, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất) giở dớn thu hoạch cá linh.

MƯU SINH GIỮA ĐÊM

Rời xã Mỹ Thái, chúng tôi men theo con đường cặp kênh 14 về xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất), được anh Nguyễn Văn Em, ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn chở đi thăm dớn. Cánh đồng rộng hơn 3.500 công của ấp Hiệp Thành mênh mông nước nhưng khoảng giữa đêm lại nhộn nhịp lạ thường. Tiếng cười nói, tiếng máy chạy huyên náo cả một vùng. Giữa đêm tối, nhưng trên cánh đồng sáng rực đèn. Người đi giở dớn, người thăm lưới, người đẩy ốc... Anh Em soi đèn pin vào chiếc dớn trước mặt. Dưới ánh đèn những con cá linh vảy óng ánh đang bơi trong dớn. Anh Em gắng sức giở cái dớn lên khỏi mặt nước, mọi người ồ lên khi anh trút cá vào thau để trên vỏ lãi. Khoảng chục ký cá linh non tươi roi rói. Theo lời anh Em, đặt dớn bắt cá linh mùa nước nổi “mê lắm”. Với 30 cái dớn, mỗi đêm anh Em bắt khoảng 100kg cá linh, đem bán ở chợ xã với giá từ 25 - 30 ngàn đồng/kg, đút túi hơn 3 triệu đồng. Gần chục năm nay, mùa nước nào anh Em cũng theo nghề đặt dớn để có thêm thu nhập. Dĩ nhiên, để bắt nhiều cá anh Em cũng như nhiều người sống nương nhờ con nước nổi đều phải thức trắng đêm để đi canh, thăm dớn vào giữa đêm và trước 3 giờ sáng để kịp đem cá ra chợ sớm.

Trên đồng nước mênh mông chúng tôi lần theo hướng có những đốm sáng trước mặt. Chiếc vỏ lãi lao đi trong đêm tối, những đốm sáng xa xa ngày một lớn dần. Càng đến gần, chúng tôi mới biết mỗi một đốm sáng là một chiếc xuồng hoặc vỏ máy của bà con đi đánh bắt cá. Một trong số những đốm sáng giữa đồng khuya ấy là của anh Nguyễn Hữu Triệu, ngụ ấp Hiệp Thành. Chỉ với chiếc vỏ lãi, một giàn lưới đơn giản, mỗi mẻ lưới anh Triệu bắt từ 4 - 5kg ốc bươu vàng. Khẽ rùng mình vì có cơn gió thốc mạnh, anh Triệu nói: “Ốc dễ bắt, bữa nào trúng thu từ 500 - 600kg. Từ 20 giờ đến 3 giờ sáng ốc nổi trên mặt nước, chỉ cần chạy vỏ máy có gắn chiếc cào gạt này là bắt được ốc. Ốc đem cân xô cả lớn lẫn nhỏ giá 1.000 đồng/kg. Tuy giá ốc bán ra có giảm nhưng cũng giúp bà con có thu nhập, vừa diệt bớt ốc để vụ sau mần lúa đỡ tốn thuốc diệt ốc”.

Anh Triệu lựa rác khỏi lưới ốc xong cũng là lúc quá nửa đêm. Chúng tôi rời cánh đồng ấp Hiệp Thành, không khí nhộn nhịp với đủ nghề mùa nước nổi như vẫn chẳng bị ảnh hưởng bởi cái đêm và những cơn gió lạnh thổi ào ào. Chia tay những con người cần mẫn bất kể đêm ngày với lòng khâm phục, ngoái đầu nhìn lại, những ánh đèn vẫn chiếu sáng cùng những âm thanh vẫn rộn rã trên cánh đồng trĩu nước.

Ảnh: Anh Nguyễn Hữu Triệu (giữa), ngụ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn (Hòn Đất) thu hoạch ốc trên đồng mùa nước nổi.

BÍCH LINH