Hỗ trợ nghề truyền thống phát triển
(10:13 | 19/12/2018)

       Nghề truyền thống có quá trình biến đổi, phát triển, những bước thăng trầm, nghề làm đường thốt nốt và làm nghề mắm ruốc tại huyện Kiên Lương cũng không ngoại lệ. Để giữ và phát triển nghề, người làm nghề truyền thống phải có sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để nâng chất lượng, tăng năng suất sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường. 


         ảnh bài 2 (2).JPG

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Tèo (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An, huyện Kiên Lương trao Bằng công nhận nghề truyền thống làm mắm ruốc,  của Ủy ban nhân tỉnh Kiên Giang cho đại diện các hộ làm nghề

             Cùng việc công nhận nghề truyền thống, tỉnh ta đã, đang và sẽ có những chính sách hỗ trợ các hộ làm nghề. Qua đó, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn, vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là địa phương có nhiều tiềm năng du lịch.        

Trước đây, người dân làm đường thốt nốt tại xã Bình An thường dùng ống tre gai hứng nước thốt nốt từ cuống hoa, nhưng ngày nay ống tre được thay bằng thùng nhựa để nhẹ công mang lên cây. Hiện nghề làm đường thốt nốt được xã Bình An quan tâm hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng của xã. Theo đó, xã Bình An đã phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao phương pháp khai thác nước thốt nốt và chế biến thành đường đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Anh Hồ Văn Trung – Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Ba Trại, xã Bình An, huyện Kiên Lương, cho biết: “Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật khai thác và chế biến đường thốt nốt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân địa phương còn được hỗ trợ máy đánh đường đỡ vất vả hơn trước. Tuy được địa phương khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, nhưng nghề làm đường thốt nốt đang đối mặt khó khăn về nguồn nguyên liệu, do tình trạng khai thác cây thốt nốt lấy gỗ. Người dân chưa đăng ký được nhãn hiệu hàng hóa, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương. “Chúng tôi cần hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm đường thốt nốt để tiêu thụ rộng rãi trên thị trường”, anh Huỳnh Văn Sọt, ngụ ấp Ba Trại, xã Bình An nói.”

Năm 2017, nghề làm mắm ruốc và đường thốt nốt của xã Bình An, huyện Kiên Lương được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Từ đó, các sản phẩm của nghề ngày càng được người dân trong và ngoài tỉnh tin dùng. Đồng chí Nguyễn Văn Tèo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình An, cho biết: Từ khi hai nghề được công nhận bà con rất phấn khởi và tự sản xuất ra nhiều sản phẩm để phục vụ người dân địa phương cũng như du khách đến tham quan du lịch. Hiện nghề đang gặp khó trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, vì một số hộ dân muốn xây dựng thương hiệu cho riêng gia đình để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
          Để nghề truyền thống được giữ gìn và phát triển, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, quan trọng nhất vẫn là sự phát huy nội lực từ những người làm nghề, cho ra thị trường sản phẩm đặc trưng, chất lượng.

Thanh Tuấn - HND Kiên Lương