Kiên Lương Nhiều mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương
(09:16 | 05/03/2019)

        Qua 02 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Kiên Lương, giai đoạn 2016 - 2018, có 23 mô hình của tập thể và cá nhân được Ban Chỉ đạo huyện khen thưởng. Trong đó, điển hình có nhiều mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đoàn, hội viên và người dân địa phương.

            Trong tổng số 67 mô hình “Dân vận khéo” được Ban Chỉ đạo huyện Kiên Lương công nhận giai đoạn 2016 - 2018, có 14 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, chiếm hơn 20% tổng số mô hình, điển hình được công nhận. Trong điển hình như: Mô hình “xoay vòng vốn công đoàn, giúp đỡ đoàn viên khó khăn” của Công đoàn cơ sở Nông dân - Phụ nữ huyện Kiên Lương… Ông Vương Minh Mẫn - Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kiên Lương, cho biết: Đây là những mô hình trong thời gian qua hoạt động hiệu quả giúp cán bộ, đoàn, hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất từ độc canh sang đa canh, xen kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, tận dụng, khai thác tối đa lợi thế của nguồn tài nguyên đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho đoàn, hội viên và người dân.

dan van kheo 201901.jpg

Ảnh: Từ nguồn xoay vòng không tính lãi, gia đình ông Bùi Văn Hạnh, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương đã đầu từ vào trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống.  Trong ảnh, ông Bùi Văn Hạnh, chăm sóc vườn rau của gia đình

          Nổi bật trong những mô hình “Khéo vận động hội viên, nông dân góp vốn xoay vòng theo mùa vụ” của Chi hội nông dân ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, với 11 thành viên, mỗi năm 2 lần theo mùa vụ sản xuất, chi hội đã xoay vòng vốn không tính lãi với số tiền 110 triệu đồng cho 1 hội viên đầu tư mua phân bón, thuốc trừ sâu, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đầu tư mua bán, mua sắm thiết bị gia đình. Hiện mô hình này đã được triển khai xây dựng thêm 1 mô hình nữa với 11 thành viên với số tiền góp vốn là 5 triệu đồng/mùa vụ. “Hiệu quả của mô hình này đã giúp cho nhiều anh em hội viên như chúng tôi có được cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả và có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, sản xuất”, ông Bùi Văn Hạnh, ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương cho biết.

          Đối với mô hình “Khéo vận động hội viên giúp vốn phát triển nuôi cá lồng bè” của Hội nông dân xã Hòn Nghệ từ tháng 3/2016 đến nay, mô hình này đã giúp được 37 hộ nuôi cá lồng bè, đầu tư mua 270 ngàn con cá giống các loại, với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng, với mức thu nhập cho hộ nuôi từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Ngoài hiệu quả về kinh tế mang lại, mô hình này đã giúp cho hội viên chúng tôi có thêm điều kiện trao đổi, thông tin với nhau về những kinh nghiệm trong nghề nuôi cá lồng bè, từ đó góp phần giúp cho nghề nuôi ngày càng ổn định và bền vững hơn, ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương chia sẽ.

Hiệu quả từ những mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế tại huyện Kiên Lương trong thời gian qua ngoài việc nâng cao đời sống, thu nhập cho cán bộ, hội viên và người dân trên địa bàn, còn góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của huyện Kiên Lương 2018 ước trên 64 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,27% so dân số. Ngoài ra, từ các mô hình “Dân vận khéo” đã thu hút quần chúng tham gia vào các tổ chức tại huyện là 79% so với đối tượng.

Thanh Tuấn - HND Kiên Lương