Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển kinh tế nông nghiệp Kiên Giang
(10:38 | 26/03/2019)

       Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, một trong những kết quả lớn ngành nông nghiệp Kiên Giang đạt được đó là bước đầu đã tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

            BƯỚC CHUYỂN MÌNH

 

 

Trong 10 năm qua, nông nghiệp Kiên Giang luôn duy trì được tăng trưởng và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn, tiếp tục khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Năm 2017, “hai lúa” Kim Dương Liễu – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc hợp tác xã nông dân sản xuất nông sản hữu cơ Rạch Giá đã tạo bước đột phá khi đưa 20 tấn gạo hữu cơ Agribio - Nàng Thơm U Minh xuất khẩu sang Phần Lan bán với giá cao gấp 1,5 lần so gạo thông thường. Theo ông Liễu, đây chỉ mới là bước đầu, nếu phía đối tác tiêu thụ tốt sẽ tiếp tục nhập khẩu và nâng giá mua. “Lúc mới trồng lúa hữu cơ, chỉ mong cung ứng gạo bán lẻ cho người dân trong nước, chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện xuất khẩu” - ông Liễu tâm sự. Theo ông Liễu, mỗi vụ lúa Agribio -  Nàng Thơm U Minh kéo dài 4 tháng và mỗi năm chỉ trồng được một vụ, do ông liên kết với một số hộ nông dân xã Đông Thái (An Biên) sản xuất. Do không bón phân hóa học, không xịt thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học để bổ sung dinh dưỡng cho lúa nên sản lượng lúa cuối vụ thu về chỉ đạt 48 tấn/ha. Tuy sản lượng không cao như cách canh tác truyền thống nhưng giá bán của các hộ dân trong hợp tác xã ở mức 6.000 đồng/kg, trong khi đó lúa sản xuất theo truyền thống có giá bán chỉ từ 4.700-4.900 đồng/kg.

 

 

Theo đồng chí Đỗ Minh Nhựt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song song với việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh ta xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, như mô hình “Cánh đồng lớn”, tạo ra hướng đi mới để nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững hơn. Điển hình như mô hình sản xuất lúa cấy liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp).

Ảnh: Đồng chí Phạm Vũ Hồng (thứ hai, từ trái qua) - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi với ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại buổi trưng bày gạo hữu cơ Trung An tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Kiên Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm 2018.

 

 

Giữa tháng 3-2019, cánh đồng lúa của ấp Kênh 8B đầy ắp tiếng máy gặt đập liên hợp trên đồng tạo nên không khí cuối vụ đông xuân 2018-2019 thêm phần rộn rã. Ông Hoàng Bảo Vinh, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kênh 8B, phấn khởi: “Thấy bà con trong ấp làm lúa cấy mạ hiệu quả nên vụ này là vụ đầu tiên tôi cấy lúa, chỉ tốn 8kg giống làm mạ, so với 25kg giống lúa sạ tay tôi đã tiết kiệm được 17kg giống. Vụ này nhờ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện liên kết với Công ty Giống cây trồng miền Nam sản xuất lúa giống xác nhận 1 nên an tâm đầu ra, giá bán lại cao hơn lúa hàng hóa”. Còn đối với những người đi đầu trong việc trở lại với lúa cấy đã 7 năm nay như anh Trương Minh Hùng, thành viên Hợp tác xã Kênh 8B thì mô hình cấy lúa mạ giúp anh tiết kiệm tiền giống 2 triệu đồng/ha, giảm được 6 lần phun xịt thuốc bảo vệ thực vật do cây lúa cấy thưa, khả năng quang hợp tốt, giúp cây lúa khỏe, phòng ngừa được sâu bệnh tấn công và ít đỗ ngã như khi sạ dày. 

 

 

 

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ 

 

 

 

Giai đoạn 2008-2017 tổng đầu tư toàn xã hội của Kiên Giang là 266.019 tỷ đồng, tăng 399,9% so với năm 2008, trong đó đầu tư cho nông – lâm – thủy sản là 40.021 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng năm Kiên Giang còn dành một khoản kinh phí để hỗ trợ khắc phục thiên tai, dịch bệnh; thực hiện chính sách miễn giảm thuế nông nghiệp, thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, tỉnh có 117 hệ thống cống trên đê góp phần kiểm soát mặn giữ ngọt cho nhân dân sản xuất, 2.704 km kênh mương được nạo vét,  609 công trình thủy lợi nội đồng theo quy hoạch đã được cải tạo, nâng cấp và có 1.252 trạm bơm trong đó 240 trạm bơm điện vừa và nhỏ được xây dựng mới. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng tưới tiêu, kiểm soát lũ, ngăn mặn để sản xuất 2 vụ lúa ổn định, trong đó có trên 90.000 ha có khả năng sản xuất 3 vụ/năm. Hằng năm tỉnh tăng vốn sự nghiệp cho ngành nông nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, cung giống cây trồng, vật nuôi.

 

 

Sau 8 năm (2010 – 2018), phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, văn minh, hiện đại hơn. Một trong những chuyển biến tích cực là việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, trong đó chú trọng vào xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới, thu hút đầu tư doanh nghiệp. Nhờ vậy, đến tháng 11-2017, tỉnh có 400 hợp tác xã nông nghiệp, 298 tổ hợp tác. Từ năm 2014-2017 tỉnh có chủ trương hỗ trợ hạ thế, xuống trạm bơm điện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, theo đó đã xây dựng 415 trạm biến áp kinh phí 170 tỷ đồng phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, từ những chính sách kêu gọi đầu tư của tỉnh, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường. Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường sản xuất lúa sạch, sản xuất lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết: “Chính vì vậy mà Kiên Giang là địa bàn được công ty ưu tiên đầu tư liên kết với hợp tác xã và nông dân xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao để phát triển xuất khẩu. Mục tiêu của công ty khi liên kết với nông dân Kiên Giang là chỉ sản xuất canh tác trồng lúa theo tín hiệu của thị trường, với chất lượng và giá trị gia tăng cao”. Theo ông Bình, hiện công ty đã đầu tư thực hiện 800ha vùng nguyên liệu lúa sạch và lúa hữu cơ, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang công nhận là Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra công ty còn đầu tư liên kết với nhiều Hợp tác xã Nông nghiệp và nông dân ở 3 huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành xây dựng vùng nguyên liệu lúa lên đến hàng ngàn hecta. Năm 2019, công ty sẽ đầu tư xây dựng khu liên hợp chế biến lúa gạo tại ngay trung tâm vùng nguyên liệu mà công ty đang thực hiện, đồng thời, tiếp tục mở rộng thêm nhiều cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị tại 3 huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành để đến năm 2020 xuất khẩu gạo trực tiếp tại tỉnh Kiên Giang đạt tối thiểu 50 triệu đô la Mỹ.

 

 

 

 

 

 

An Lâm