Hiệu quả từ mô hình nuôi cá hô thương phẩm ở Giồng Riềng
(11:10 | 15/05/2019)

 

Nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp là mô hình thuộc Chương trình phát triển các mô hình thủy đặc sản nước ngọt 2017 tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Sau gần hai năm triển khai đến các hộ nông dân đã bước đầu mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng trên địa bàn, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân.

 

Giồng Riềng là huyện vùng nông thôn của tỉnh Kiên Giang có điều kiện địa hình, đất đai và nguồn nước phù hợp cho việc sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp của huyện trên 56.000 ha, trong đó, đất trồng lúa 46.600 ha. Nhiều năm qua, nông dân Giồng Riềng tận dụng quỹ đất nông nghiệp để nuôi trồng thủy sản trên ruộng lúa, ao mương, những loại cá nuôi là cá chép, mè vinh, mè hoa… Các loại cá này dễ nuôi nhưng năng suất và giá bán trên thị trường thấp nên lợi nhuận không cao.

Thực hiện kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng đã triển khai thực hiện Chương trình phát triển các mô hình thủy đặc sản nước ngọt 2017, trong đó có mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp. Việc triển khai mô hình này cũng từ chủ trương của huyện Giồng Riềng trong thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi nhằm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Ngọc Khải, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Phối hợp với trạm Khuyến nông Giồng Riềng đã tiến hành triển khai mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp đến các hộ nông dân làm thí điểm trên địa bàn xã Hòa Hưng từ ngày 20 tháng 7/2017. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 60% chi phí mua con giống, 40% chi phí thức ăn, nuôi trong thời gian 18 tháng.

Tại nhà bà Lưu Thị Liễm, ấp Hòa Tân, xã Hòa Hưng, một trong các hộ nông dân được chọn nuôi thí điểm mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp bước đầu thả 500 con cá hô trên diện tích 500 m2 ao nuôi vì quy định mật độ nuôi cá hô là 1 con/m2.

Theo bà Liễm, giá cá hô giống là 18.000 đồng/con được thả xuống ao nuôi phải có kích thước đồng đều, không bị xây sát, màu sắc tươi sáng, phản ứng nhanh nhẹn, đảm bảo trọng lượng lúc thả nuôi 18 con/kg. Cá giống chuyển về phải được ngâm trong ao nuôi 10 - 15 phút để cân bằng nhiệt độ, sau đó dùng thau pha nước muối 50g/10 lít nước rồi ngâm cá giống từ 3 - 5 phút để xử lý ngoại ký sinh.

Bà Liễm cho biết, nuôi cá hô khó khăn nhất là cho ăn giai đoạn đầu, từ 1 - 3 tháng tuổi. Lúc này cá hô còn nhỏ nên ăn ở dưới tầng đáy, phải tìm cách để thức ăn chìm xuống hẳn. Chỉ qua tháng thứ 3, cá hô mới ăn ở trên mặt nước và thức ăn công nghiệp cho cá ăn phải trên 40% đạm lúc cá nuôi dưới 3 tháng nuôi, từ 35 đến 40% đạm cá nuôi từ 3 tháng nuôi đến khi thu hoạch.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng Trần Ngọc Khải cho biết, qua quá trình thực hiện mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp, các hộ nông dân đã thực hiện cơ bản đúng quy trình kỹ thuật đề ra từ khâu chuẩn bị ao nuôi, quản lý môi trường ao nuôi, chăm sóc cho cá ăn. Cán bộ kỹ thuật của Trạm khuyến nông cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật, xử lý kịp thời các sự cố bất thường xảy ra trong quá trình nuôi.

Theo đúng tiến độ 18 tháng thả nuôi, với 500 con thả nuôi ở mỗi mô hình sẽ đạt trọng lượng bình quân trên 2 kg/con, tỷ lệ sống trung bình trên 80%, sản lượng đạt hơn 800 kg. Giá cá hô thương phẩm trên thị trường là 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thức ăn, giống ban đầu, mỗi hộ nông dân tham gia mô hình có thể lãi trên 100 triệu đồng. 

Đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng, mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đặc biệt, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, thời gian sinh trưởng của cá hô là phù hợp để nông dân dễ áp dụng mô hình. Sắp tới, mô hình sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng tại nhiều địa phương khác trong huyện Giồng Riềng để nông dân có thể tham gia thực hiện, giúp cải thiện đời sống kinh tế hộ gia đình.

Theo đó, các cơ quan trong ngành nông nghiệp huyện Giồng Riềng và tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân áp dụng mô hình nuôi cá hô thương phẩm trong ao sử dụng thức ăn công nghiệp, nhằm thực hiện đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập của nông dân ở nông thôn./.

Lê Hoài Trưởng Trạm Khuyến Nông Giồng Riềng