Nỗ lực phòng, chống dịch tả heo Châu Phi
(17:03 | 31/05/2019)

 

Theo ghi nhận, diễn biến dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn huyện Tân Hiệp, địa phương xuất hiện ổ dịch đầu tiên và một số địa phương khác của tỉnh đang có dấu hiệu lây lan nhanh và diễn biến phức tạp. Hiện người chăn nuôi vô cùng lo lắng vì đàn heo của gia đình đang đối diện nguy cơ bị dịch bệnh tấn công bất cứ lúc nào.

 

Ngày 24-5, ổ dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đầu tiên được phát hiện tại hộ gia đình bà Nguyễn Sol Pha, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) sau khi Chi cục Thú y vùng 7 tại TP. Cần Thơ kết luận 4/4 mẫu bệnh phẩm từ đàn heo nhà bà Pha đều dương tính với virus DTHCP. Toàn bộ 33 con heo trọng lượng hơn 1,7 tấn của gia đình bà Pha đã được tiêu hủy. Gia đình không có đất canh tác nên vợ chồng bà Pha chỉ sống nhờ nghề làm thuê và chăn nuôi heo. Bà Pha nói: “Heo bệnh, chích thuốc nhiều ngày mà heo vẫn sốt, bỏ ăn và kiệt sức dần. Đến khi nghe Chính phủ có chính sách hỗ trợ đối với gia đình có heo bị DTHCP mức 38.000 đồng/kg heo hơi, cao hơn giá thị trường nên gia đình cũng bớt lo”.

Sáng 25-5, tại ấp Kinh 10, thị trấn Tân Hiệp, các cơ quan chức năng huyện Tân Hiệp tổ chức tiêu hủy đàn heo 29 con của hộ gia đình bà Đinh Thị Nga, ngụ ấp Kinh 10 sau khi có kết quả xét nghiệm đàn heo dương tính với DTLCP. Chỉ trong 3 ngày từ 24 đến 26-5, huyện Tân Hiệp ghi nhận 5 điểm xuất hiện dịch, số lượng heo tiêu hủy 112 con của 5 hộ dân với trọng lượng hơn 6 tấn. Nguyên nhân theo điều tra dịch tễ là do lây lan từ việc cho heo ăn thức ăn thừa chưa qua nấu chín kỹ, không thực hiện công tác ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập chuồng trại. “Sau khi phát hiện có dịch, cơ quan chức năng lập tức khoanh vùng tiêu độc, khử trùng khu vực các hộ chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh lây lan rộng; đồng thời tiến hành chôn xác heo chết theo quy định và triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa”, đồng chí Phan Kim Loan - Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay.

Huyện Tân Hiệp đã lập 1 chốt chặn trên quốc lộ 80 thuộc địa bàn khu phố Kinh B, thị trấn Tân Hiệp và hai chốt lưu động tại đường tỉnh 961, 963 để kiểm soát số lượng heo ra vào địa bàn, phun xịt khử trùng phương tiện, chuồng trại, đường giao thông... Đối với hai địa phương có dịch là xã Tân Hiệp B và thị trấn Tân Hiệp đã lập tổ kiểm dịch sản phẩm heo ra vào địa bàn trong thời gian 30 ngày kể từ khi con heo cuối cùng mắc bệnh DTHCP được tiêu hủy trên địa bàn. Hiện huyện Tân Hiệp có hơn 37.000 con heo, trong đó có 3 trang trại chăn nuôi gia công CP, còn lại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng chí Nguyễn Văn Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tân Hiệp cho biết, do người dân đa phần sử dụng nguồn nước mặt dưới kênh để nuôi heo nên khả năng lây lan dịch bệnh rất cao. Hiện lực lượng thú y bố trí cán bộ ngày đêm túc trực tại chốt kiểm dịch, các lò giết mổ tập trung ….Với trách nhiệm của mình, huyện đã và đang quyết liệt ngăn chặn không để dịch lây lan trên diện rộng.

Chiều 27-5, đồng chí Nguyễn Thành Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang cho biết, Chi cục vừa gửi 4 mẫu bệnh phẩm heo nghi nhiễm virus DTHCP của 4 hộ dân ở xã Thạnh Đông A, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp), xã Vĩnh Phong (Vĩnh Thuận) và thị trấn Hòn Đất (Hòn Đất) đến Chi cục Thú y vùng VII tại TP. Cần Thơ để xét nghiệm. Trước tình hình diễn biến phức tạp của DTHCP trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh đã cấp 6.750 lít benkocid, 500kg vôi cho các địa phương, đồng thời, bố trí 13 chốt, tổ kiểm dịch trên các tuyến giao thông chính vận chuyển động vật ra vào địa bàn các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, An Minh, Vĩnh Thuận, Kiên Lương. Theo ghi nhận tại các chốt chặn, bình quân hàng ngày có từ 8-10 xe tải vận chuyển từ 400-500 con heo từ Đồng Nai, Tiền Giang, nhiều nhất là Bến Tre đi huyện Phú Quốc, TP. Hà Tiên, Châu Thành, Hòn Đất, An Minh. Do các tỉnh đã đặt nhiều chốt kiểm dịch vận chuyển, chỉ phát hiện 1 trường hợp vận chuyển 14kg thịt heo từ TP. Vị Thanh (Hậu Giang) về Kiên Giang không có giấy kiểm dịch, đã bị xử lý tiêu hủy.

Ảnh: Toàn cảnh hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó cấp bách với dịch tả heo châu Phi do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức chiều ngày 27-5.

Tại hội nghị triển khai các giải pháp ứng phó cấp bách với DTHCP do UBND tỉnh tổ chức chiều qua, 27-5, đồng chí Mai Anh Nhịn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành và địa phương phải xác định công tác phòng, chống, khống chế DTHCP là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt. Trong quá trình triển khai thực hiện, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại các địa phương; kêu gọi người dân khai báo, tận dụng các lực lượng để tham gia chống dịch; khi phát hiện ổ dịch thì tiến hành khoanh vùng, dập dịch, làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng trong quá trình vận chuyển, địa điểm tiêu hủy. Đồng chí Mai Anh Nhịn các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản tăng cường kiểm tra, hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động mọi tình huống cùng địa phương chống dịch; đáp ứng đầy đủ, kịp thời vật tư, hóa chất… Các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình hình giết mổ heo tại các lò giết mổ tập trung; xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách, giết mổ lậu, giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, hành vi làm lây lan dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền về dấu hiệu nhận diện bệnh, cách phòng, chống dịch để người chăn nuôi chủ động phòng, chống…

Box: Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, dịch tả heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus DTHCP ASFV gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên heo; xảy ra ở mọi lứa tuổi heo, 100% heo nhiễm bệnh đều chết. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), bệnh không có khả năng lây sang người. “Biện pháp cấp bách trước mắt để ứng phó với dịch tả heo châu Phi là các ngành, các cấp tuyên truyền người dân không sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi, không sử dụng nước sông để cho heo ăn, uống. Đồng thời, tiến hành sát trùng giày dép khi ra vào khu vực chuồng trại chăn nuôi heo; không để chó, chuột vào chuồng heo nhằm tránh mang mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác”, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng nói.

ĐẶNG LINH-PV BKG