Xuất hiện vết nứt trên “biểu tượng mới của Đà Nẵng”
(12:24 | 02/11/2013)

Mấy ngày nay, dư luận Đà Nẵng râm ran chuyện cầu Rồng vừa đưa vào hoạt động vài tháng đã xuất hiện nhiều vết nứt. Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, đây chỉ là hiện tượng bê tông giãn nở. Đại diện Cục Hàng không VN cho biết các máy bay đã xin phép đậu ở sân bay quốc tế Đà Nẵng từ ngày 14 đến hết 17/11. 15 máy bay xuất phát từ nhiều trung tâm tài chính, du lịch trên thế giới như Ả Rập, Hong Kong, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia... mang các số hiệu N383AJ, VPBJT, TPJ57DP, JJA095, AJ 601... được cấp phép đậu ở đây. Suốt thời gian lưu lại tại sân bay Đà Nẵng, đội chuyên cơ này được an ninh kiểm soát nghiêm ngặt.

Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ ngày 29/3/2013, cầu Rồng được xem là biểu tượng mới của TP Đà Nẵng. Đây không chỉ là một cây cầu độc đáo, có tính thẩm mỹ cao mà còn là điểm đến của nhiều khách du lịch khi tới thành phố biển này để được ngắm và xem “Rồng thép” phun lửa, phun mưa.

Một số đường nứt trên cầu Rồng
Một số đường nứt trên cầu Rồng

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, cầu Rồng xuất hiện nhiều vết nứt nhỏ, kéo dài khiến nhiều người lo ngại. Theo quan sát của phóng viên, vết nứt xuất hiện ở mố cầu phía đông (đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà) và dầm cầu. Có những vết nứt kéo dài đến 2m.

Chiều 1/11, Ban Quản lý dự án cầu Rồng (Sở GTVT Đà Nẵng) đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về vấn đề này.
 
Đường nứt dưới mố cầu phía Đông
Đường nứt dưới mố cầu phía Đông

Theo ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Rồng, trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị liên quan đều đã nhận thức được vấn đề trên và triển khai các giải pháp kỹ thuật từ khâu thiết kế đến thi công để hạn chế ảnh hưởng của các yếu tố này đến sự co ngót hay giãn nở của bê tông. Tuy nhiên, vì kết cấu phức tạp nên không thể tránh khỏi việc xuất hiện một số vết nứt tại một số vị trí.

Theo ông Nam, qua theo dõi kết cấu công trình nói chung và đặc biệt là qua công tác kiểm định thử tải đánh giá an toàn chịu lực, đơn vị kiểm định thử tải đã có đánh giá chung như sau: Quá trình kiểm định sức chịu tải (chất tải và dỡ tải), không phát hiện các biểu hiện bất thường của kết cấu. Kết cấu cầu vẫn làm việc bình thường trong giới hạn đàn hồi.

Ngoài ra, các chỉ tiêu kỹ thuật như cường độ chịu tải, độ cứng chống biến dạng, chuyển vị đỉnh vòm, chu kỳ dao động riêng đều phù hợp với kết quả phân tích lý thuyết.
 
Một số vết nứt đã được công nhân trám lại
Một số vết nứt đã được công nhân trám lại

Qua kiểm tra thực tế, các vết nứt có bề rộng trung bình từ 0,1-0,2mm, xuất hiện ở các vị trí như: trên gờ chắn bánh dải phân cách đoạn nhịp trên dầm hộp thép; tại vị trí tiếp giáp giữa 2 lần đổ bê tông của dầm và ụ chân vòm; tại tường ngực mố cầu dẫn phía Đông.

“Các vết nứt trên xuất hiện là do co ngót bê tông hoặc do thay đổi nhiệt độ môi trường. Qua theo dõi không thấy có hiện tượng phát triển thêm, không có biến đổi bất thường. Các vết nứt này không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực và khả năng làm việc của công trình cầu Rồng”, ông Nam cho biết.
 
Ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Rồng trả lời báo chí
Ông Nguyễn Hà Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án cầu Rồng trả lời báo chí

Ông Nam cũng cho rằng, công trình cầu Rồng được bảo hành 2 năm, việc xử lý các vết nứt nêu trên nằm trong kế hoạch bảo hành của đơn vị thi công, đảm bảo mỹ quan và hạn chế tối đa ảnh hưởng của yếu tố môi trường xâm thực vào bê tông gây bất lợi cho công trình. Ban Quản lý dự án cầu Rồng và đơn vị quản lý cầu thường xuyên theo dõi và yêu cầu đơn vị thi công xử lý kịp thời.

Được biết, công trình cầu Rồng được xây dựng năm 2009 và đưa vào hoạt động tháng 3/2013 có chiều dài 666m, bề rộng mặt cầu 37,5m với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Đây là cây cầu vòm ống thép hình dáng rồng dài hơn 560 mét, nặng gần 9.000 tấn được đánh giá là độc đáo và lớn nhất Việt Nam.