Trước đây bà con nông dân tại tổ 05 ấp Song Chinh, xã Bình Trị (Kiên Lương) sản xuất lúa theo kiểu truyền thống, lạc hậu, mỗi người một cách canh tác, nên năng suất và sản lượng đạt không cao. Vào năm 2013, một số công trình thoát lũ, xả phèn, rửa mặn của nhà nước được đầu tư, nạo vét nên sản lượng sản xuất lúa của bà con đạt tuy có khá hơn nhưng vẫn không cao lại gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh phá hoại. Trước tình hình nêu trên, với suy nghĩ làm thế nào giúp người dân có thể tăng năng suất cũng như sản lượng của cây lúa, để nông dân nơi đây bớt đi khó khăn trong cuộc sống. “Qua theo dõi một số mô hình tổ hợp tác tại các địa phương khác trong tỉnh thấy có hiệu quả, tôi quyết tâm thuyết phục, vận động bà con nhân dân nơi đây tham gia tổ hợp tác sản xuất lúa 2 vụ để tăng năng suất, tăng thu nhập cho bà con”, ông Danh Hủi cho biết.
Sau thời gian tuyên truyền, vận động, cuối 2013 Tổ hợp tác sản xuất lúa 2 vụ tại ấp Song Chinh được thành lập ban đầu với 19 thành viên. Tham gia tổ hợp tác, các thành viên trong tổ ngoài việc tập trung sản xuất theo kiểu sạ đồng loạt, áp dụng theo các tiến bộ KHKT vào sản xuất còn được cán bộ tổ kinh tế - kỹ thuật tập huấn cách sản xuất mới, phù hợp cho bà con như: Tiến hành gieo sạ đồng loạt, bón phân và phun xịt thuốc cũng đồng loạt nên sâu bệnh xảy ra ít hơn so với cách canh tác cũ. Lúa khi thu hoạch cũng được hợp đồng với thương lái nên giá lúa cũng ổn định, bán được giá cao hơn.
Ông Danh Rô, thành viên Tổ hợp tác lúa 02 vụ tại ấp Song Chinh, xã Bình Trị (Kiên Lương) cho biết, gia đình ông có 4 ha đất sản xuất lúa 2 vụ. Từ khi tham gia tổ hợp tác đến nay hàng năm gia đình ông có thu ổn định từ sản xuất lúa. “Do tiến hành các bước sản xuất đồng loạt, từ gieo sạ đến thu hoạch. Cộng với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản lượng lúa ngày càng đạt cao hơn, từ đó thu nhập khá hơn”, ông Danh Rô cho biết thêm.
Ảnh: Ông Danh Hủi (bìa phải), cùng các thành viên hợp tác xã trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất lúa
Ông Danh Khol, thành viên Tổ hợp tác sản xuất lúa 2 vụ, ấp Song Chinh, xã Bình Trị (Kiên Lương) chia sẽ, các thành viên trong tổ hợp tác còn được tham gia nhiều lớp tập huấn trong sản xuất và thường xuyên thăm hỏi, trao đổi với nhau cách sản xuất nên hầu hết các diện tích sản xuất lúa của bà con trong tổ hợp tác đều đạt năng xuất khá cao. “Nếu như những vụ Hè Thu trước đây năng suất chỉ đạt khoảng 3 đến 4 tấn/ha thì đến nay đã nâng lên trên 5,5 tấn/ha, còn vụ Đông Xuân từ 4 đến 5 tấn/ha thì đến nay cũng trên 6,5 tấn/ha”, ông Danh Khol nói.
Sau thời gian hoạt động có hiệu quả, và nhờ sự tích cực trong vận động, tích cực trong tham gia sản xuất của ông Danh Hủi nên đến nay Tổ hợp tác sản xuất lúa tại ấp Song Chinh, xã Bình Trị (Kiên Lương) đã nâng lên thành hợp tác xã, hội viên cũng đã tăng lên 46 hội viên, với diện tích sản xuất 146 ha. “Hiện tại, các thành viên trong hợp tác xã đang đề nghị chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng có liên quan đầu tư nguồn điện lưới 3 pha để tiến hành bơm tưới cho bà con sản xuất lúa, góp phần nâng cao hơn nữa sản lượng lúa của bà con trong hợp tác xã, góp phần nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập của bà con Khmer trên địa bàn ấp”, ông Danh Hủi nói.