Nỗ lực dập dịch tả lợn châu Phi
(14:51 | 01/08/2019)

 

Chỉ trong chưa đầy 2 tháng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 13/15 huyện, thành phố trong tỉnh với số lượng lợn đã tiêu hủy đến ngày 16-7 là 5.970 con.

 

Năm 2019, huyện Tân Hiệp có tổng đàn lợn hơn 57.000 con, chiếm 16% đàn lợn toàn tỉnh. DTLCP bùng phát và lan rất nhanh trên địa bàn huyện khiến cuộc sống nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh lao đao. Đi dọc nhiều tuyến kênh, thỉnh thoảng lại thấy một đoạn đường rãi đầy vôi bột, mùi thuốc sát trùng tỏa xung quanh nhiều chuồng trại và cả những đôi mắt đỏ hoe của những người nông dân khi đối mặt trận dịch gây thiệt hại nặng nề. 10 giờ sáng ngày 17-7, ông Phạm Anh Tuấn (50 tuổi), ngụ ấp Đông Bình, thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp) cùng lực lượng chức năng huyện tiến hành tiêu hủy đàn lợn 31 con bị DTLCP gồm lợn nái, lợn thịt và lợn con. Gương mặt mệt mỏi sau nhiều đêm mất ngủ, ông Tuấn cho biết: “Mấy hôm trước thương lái đến mua lợn hơi giá 30 ngàn đồng/kg nhưng tôi sợ họ mang mầm bệnh từ nơi khác vào chuồng nên nhất quyết không bán. Thấy 1 con lợn nái bị bệnh, tôi cố gắng mua thuốc điều trị, hết hơn 2 triệu đồng mà vẫn không qua khỏi. Nhờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi không thì trắng tay rồi”. 20 năm nay, nghề chăn nuôi heo là thu nhập chính của gia đình ông Tuấn, nhất là chi phí lo cho hai con đang học đại học.

Ảnh: Lực lượng tiêu hủy phun thuốc khử trùng đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi trước khi đi tiêu hủy ở xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp)

Trong khi lực lượng chức năng vẫn chưa chôn lấp xong đàn heo của ông Tuấn thì tại xã Thạnh Đông A, lực lượng Thú y của huyện đang tiến hành tiêu hủy 4 ổ DTLCP với 28 con. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, đến trưa ngày 17-7, huyện phát hiện và xử lý 107 ổ dịch ở 30 ấp, khu phố, tiêu hủy 2.767 con lợn. Nhiều hộ chăn nuôi ở huyện vô cùng lo lắng, hoang man bởi DTLCP hoành hành trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thị  Sữa - Tổ trưởng Tổ Kinh tế kỹ thuật thị trấn Tân Hiệp, cho biết: “Khoảng 10 ngày trở lại đây, ngày nào thị trấn cũng xuất hiện 1-2 ổ dịch. Toàn thị trấn có 2.800 con lợn, đến nay có hơn 50% lợn bị bị DTLCP phải tiêu hủy”.  

Đồng chí Trần Minh Vũ - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Hiệp, cho biết: “Khi DTLCP xảy ra, huyện Tân Hiệp đã lập chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 80 tại khu phố B, thị trấn Tân Hiệp, đồng thời, phân công cán bộ trực chốt kiểm dịch các ngõ ra vào tại các xã, thị trấn có dịch, không để người dân bán tháo bán chạy hoặc vận chuyển lợn sang địa bàn khác”. Đến ngày 17-7, chốt kiểm soát tại quốc lộ 80 đã kiểm soát 581 lượt xe vận chuyển 18.861 con lợn và nhiều trâu, bò, gia cầm. Qua công tác kiểm soát vận chuyển, giết mổ, huyện đã xử phạt 1 trường hợp tự ý tháo dỡ niêm phong phương tiện vận chuyển, lập biên bản tịch thu, tiêu hủy 12 con lợn của một hộ kinh doanh do mua bán heo chết không rõ nguồn gốc, tịch thu 60kg thịt lợn của một tiểu thương do kinh doanh sản phẩm không có dấu kiểm soát giết mổ, lập biên bản cảnh cáo 6 hộ giết mổ lợn không vào lò giết mổ tập trung.

Ảnh: Các cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tân Hiệp và Ủy ban nhân dân thị trấn Tân Hiệp tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại ấp Đông Bình, sáng ngày 17-7

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến ngày 16-7, DTLCP đã xuất hiện trên lợn của 354 hộ chăn nuôi ở 69 xã, thị trấn của 13 huyện, thành phố với số lợn phải tiêu hủy 5.970 con. Hiện còn TP. Hà Tiên và Phú Quốc chưa ghi nhận DTLCP. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, DTLCP lây lan nhanh thời gian qua chủ yếu ở những địa phương có tổng đàn lợn lớn, mật độ nuôi cao như thị trấn Tân Hiệp, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp), thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng). Ngoài ra, khó khăn chính trong công tác phòng, chống DTLCP là nhiều trang trại, hộ chăn nuôi chưa áp dụng triệt để biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của cơ quan thú y, khuyến nông như chưa thực hiện đúng khử trùng chuồng trại, không thay quần áo, giày dép sạch khi đi vào chuồng trại, còn sử dụng nước kênh, rạch để vệ sinh chuồng trại, cho lợn ăn uống…

“Tỉnh đang thực hiện thí điểm mô hình phòng chống DTLCP tại thị trấn Giồng Riềng (Giồng Riềng), xã Bình An (Kiên Lương), phường Tô Châu (TP. Hà Tiên) từ ngày 15-7 đến 14-8 để rút kinh nghiệm, nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh”, đồng chí Nguyễn Văn Hoàng nói. Tại các mô hình thí điểm, ngoài cấp miễn phí hóa chất cho hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, nơi công cộng, ngành chăn nuôi và thú y còn hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn lợn gồm: Định kỳ phun tiêu độc, khử trùng đường ngõ, xóm, bến xe, bến tàu 1 lần/ngày liên tục trong 1 tuần, sang tuần thứ 2, 3 thì 2-3 lần/tuần để tiêu diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện những biện pháp ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại như làm rào chắn quanh chuồng trại, không để người lạ hoặc động vật khác xâm nhập vào chuồng; sử dụng mùng che, thay quần áo, giày dép sạch, rửa tay nhằm hạn chế bụi mang virus vào chuồng trại…

ĐẶNG LINH-PV BKG