Cụ ông sống nhờ dao, kéo
(15:05 | 01/08/2019)

 

Giữa trưa nắng, ở một góc đường là một chiếc xe đạp cũ kỹ với lỉnh kỉnh đá mài dao, chậu nước, chiếc ghế và vài cuốn sách, bên cạnh là một cụ ông mái tóc pha sương đang dùng bàn tay của mình làm mới những con dao, cây kéo cho khách. Đó là “tiệm” mài dao dã chiến của ông Lăng Văn Vĩ, nhiều người quen gọi thân thương là ông Chín mài dao.

 

Không muốn làm gánh nặng cho vợ con, ông Chín rời quê hương huyện Vĩnh Thạnh  (TP. Cần Thơ) quyết định ngày ngày đạp xe đi mài dao dù năm nay đã 77 tuổi. Từ khi ông Vĩ đặt chân qua đất Rạch Giá đến nay ngót ngét đã 15 năm, và cũng từng ấy thời gian, ông đã rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm với nghề mài dao, kéo dạo.

Đôi bàn tay đen đúa, chai sạm của ông Chín vuốt từng đường dao thuần thục lên viên đá mài đặt dưới chân sau khi đã được mài qua bằng viên đá được vận hành bằng bình ắc quy trên chiếc xe đạp điện. Chỉ vài động tác liếc tới liếc lui thật chính xác, ông Chín đã hoàn thành việc mài dao. Ông lấy khăn lau cho thật sáng bóng rồi gói lại cẩn thận, chờ khách đến lấy. Nâng sóng dao sáng loáng lên ngang tầm mắt, ông Chín nói: “Tùy loại dao mà có cách mài khác nhau, dao sắt rau, củ thì khi mài cần để mép dao nghiêng từ 5-10 độ, còn dao chặt xương, thịt thì để mép dao đứng hơn, cứ giữ tư thế đó mài hoài cho đến khi cảm giác sóng dao mỏng, đủ bén là được”. Theo lời ông Chín, nghề “soạt xoẹt”này gắn với ông như một duyên nợ. Ngày trước, đá mài không sẵn nên hàng xóm thường đến nhà nhờ ông mài dao giúp. Thấy ông mài khéo nên hễ dao cùn nhiều người lại mang đến nhờ làm bén. Nhờ hoài cũng ngại nên nhiều người tìm cách trả công. Vậy là cái nghề mài dao, mài kéo của ông bắt đầu từ đó. Những ngày đầu, ông Chín tranh thủ cuốc bộ đi mài dao cho bà con trong xóm, đi riết thành quen, ông mở rộng địa bàn qua TP. Rạch Giá rồi tạm trú luôn ở đây cho đến bây giờ. Tiền kiếm được, ông dành dụm gửi về cho vợ, cho con cháu.

 

Ảnh: Ông Chín đang mài dao cho khách trên một con đường của TP. Rạch Giá

Dao, kéo là công cụ lao động quan trọng nên dù ngày nay chợ, siêu thị bán nhiều dao inox, thép không gỉ giá rẻ nhưng vẫn còn nhiều người vẫn thích xài những con dao, cây kéo đã quen tay. Có lẽ vì vậy mà nghề mài dao, kéo của ông Chín vẫn có đất sống. Giá mài dao từ 3.000-8.000 đồng/con dao hoặc kéo. Với những “ca” khó như dao, kéo bị cùn nhiều cần nhiều thời gian mài thì ông lấy giá cũng chỉ 10.000 đồng. Mấy năm nay giá cả tăng nhưng ông Chín vẫn giữ nguyên giá như hồi mới vào nghề để giữ khách. Trung bình mỗi ngày ông Chín kiếm được từ 50.000-100.000 đồng. Có hôm đi suốt từ sáng tới chiều không kiếm được đồng nào, cũng có ngày gặp khách quen, ông kiếm vài trăm ngàn đồng. 15 năm đeo nghề như một duyên nợ. Các nhà hàng, quán ăn, các gia đình ở TP. Rạch Giá đều do ông Chín mài dao, kéo cho họ. Cứ 2-3 tháng ông lại đi ngang một lần. Nhờ mài kỹ nên khách xài được lâu nên cứ dao, kéo bị cùn là họ chỉ chờ mình đến mài.

Sau một ngày lao động vất vả, ông Chín trở về với phòng trọ 15m2 tại chợ Tắc Ráng, phường An Hòa để nghỉ ngơi, cơm nước. Mỗi ngày ông chỉ nấu cơm chưa đầy một chén gạo, cùng với vài con cá kho khô hoặc dưa mắm, dĩa rau luộc. Ông Chín có 5 người con, tất cả đều sống từ nghề làm thuê. Ông Chín bộc bạch: “Mấy đứa con tôi cứ nói cha lớn tuổi rồi, về nhà ăn ở không cho khỏe rồi tụi nó cấp dưỡng nhưng tôi không chịu. Tôi còn khỏe, còn kiếm tiền được thì hà cớ gì phải ngửa tay xin tiền con cháu, làm gánh nặng cho tụi nhỏ”. Giữa ồn ào phố thị, bóng ông khuất dần trong những làn xe cộ trên đường. Tiếng rao “Ai mài dao, mài kéo” cất lên sau khi ông Chín thu dọn đồ nghề. Giữa ồn ào phố chợ, bóng ông Chín khuất dần dần sau những làn xe xuôi ngược để tiếp tục hành trình mưu sinh và cũng là để giúp nhiều quán ăn, gia đình tiết kiệm, tận dụng hết khả năng của dao, kéo được sử dụng hàng ngày.

AN LÂM-PV BKG