Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban lãnh đạo ấp Tân Lợi, cho biết: “Chi bộ xác định để giúp nông dân nắm bắt thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập thì hợp tác xã nông nghiệp là mô hình tất yếu. Tuy nhiên, để nông dân tự nguyện tham gia hợp tác xã cần phải có những cách vận động, tuyên truyền phù hợp”. Điều quan trọng là phải làm cho từng hộ nông dân thấy rõ những ưu thế vượt trội của mô hình này so với làm ăn riêng lẻ. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động được chi bộ thực hiện bài bản, quyết liệt, chọn hội đồng quản trị gắn bó, đoàn kết, có năng lực điều hành sản xuất, kinh doanh. Sau hơn 1 năm tích cực vận động bà con tham gia mô hình hợp tác xã, đầu năm 2016, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lợi được thành lập. Thực tế hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lợi thời gian qua cho thấy, khi vào hợp tác xã, nông dân được lợi nhiều mặt.
Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã còn giữ vai trò đầu mối tiếp nhận chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Liên tục 2 năm qua, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lợi được huyện đầu tư 2 cống máng bơm, được huyện chọn đầu tư mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận với diện tích 110ha/vụ, được doanh nghiệp thu mua lúa với giá cao hơn thị trường, giúp thành viên tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Vụ thu đông năm 2018, lũ về sớm và diễn biến phức tạp khiến hàng chục ngàn hecta lúa thu đông của ấp Tân Lợi bị đe dọa. Ngoài hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Chi bộ, ban lãnh đạo ấp Tân Lợi đã vận động người dân tự nguyện góp tiền đắp 7 con đập kinh phí 45 triệu đồng để ngăn lũ tràn vào nội đồng. Nhờ vậy mà vụ thu đông 2018 ấp Tân Lợi giảm được thiệt hại trong sản xuất do lũ.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt (bìa phải) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Lợi, xã Tân Thành (Tân Hiệp) cùng các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Lợi gia cố đê bao phục vụ sản xuất.
Chi bộ ấp Tân Lợi xác định phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm cả nhiệm kỳ. Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt cho rằng, muốn xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả thì đảng viên phải đi trước, phải có kinh tế ổn định sau đó mới vận động nhân dân làm theo. Cách làm hiệu quả mà chi bộ đang thực hiện là phân công cấp ủy viên giúp đảng viên, đảng viên giúp hộ gia đình quần chúng. Những cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách phải tìm hiểu nguyên nhân, trên cơ sở đó, chi ủy tổ chức họp bàn tìm giải pháp giúp từng hộ gia đình phương thức làm ăn. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ấp từ 21 hộ năm 2016 đến năm 2018 giảm còn 8 hộ, tương đương 3,5%.
Ngoài hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất, đầu tư công trình nước sạch, nhà vệ sinh với dư nợ vay các ngân hàng hơn 2 tỷ đồng, ấp Tân Lợi còn tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách, quỹ hỗ trợ nông dân xã để người dân có vốn sản xuất. Ông Trần Văn Minh (61 tuổi), ngụ ấp Tân Lợi, nói: “Tôi thấy chi bộ, lãnh đạo ấp ở đây gần gũi dân, chăm lo tốt cho người nghèo. Năm trước tôi được xã hỗ trợ hơn 7 triệu đồng để tái đầu tư vì rẫy màu bị ngập úng. Là người khuyết tật, lễ tết tôi được ấp hỗ trợ 1-2 suất quà, thấy được động viên rất nhiều. Nhà tôi đang ở là nhà đại đoàn kết được ấp cất cho 10 năm rồi”.
Năm 2019, Chi bộ ấp Tân Lợi đề ra mục tiêu vận động nhân dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế từ 85 lên 90% dân số; vận động nhân làm đèn đường thắp sáng đường quê để giữ gìn an ninh, trật tự xóm ấp. Đồng chí Nguyễn Văn Kiệt nói: “Cách làm của chi bộ là phân công đảng viên phụ trách từng tổ nhân dân tự quản tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của nhân dân trong thực hiện các phong trào, phần việc ở ấp để từ đó chi bộ, ban lãnh đạo ấp có cách làm hiệu quả, hợp lòng dân”.