Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để các ngành, các cấp và người dân chủ động ứng phó; các chương trình, phương án, đề án, dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, PCTT và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ; thường xuyên kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm, cứu nạn các cấp… Từ năm 2015, tỉnh đã thành lập quỹ PCTT, đã thu quỹ được hơn 15,4 tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã chi hơn 1,8 tỷ đồng hỗ trợ các hộ có nhà sập, tốc mái do thiên tai gây ra, chi cho đầu tư xây dựng các bể bơi để phổ cập bơi lội phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở các địa phương chịu ảnh hưởng do lũ. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, những năm qua, việc phân bổ vốn, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư hàng năm từ Trung ương phân bổ cho tỉnh không liên tục và chưa đáp ứng so nhu cầu. Vì vậy, đã ảnh hưởng đến tiến độ và quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án đúng theo thời gian và quy hoạch.
Ảnh: Đồng chí Mai Anh Nhịn (đứng) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn.
Để công tác PCTT và tìm kiếm, cứu nạn trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt hơn, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí hỗ trợ tổng kinh phí 300 tỷ đồng cho tỉnh để xử lý các đoạn đê biển sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, trong đó, ưu tiên xử lý đoạn sạt lở từ Tiểu Dừa đến kênh Chủ Vàng với chiều dài 10km trên địa bàn huyện An Minh; đoạn bờ biển dài 4km từ Kênh 9 đến Kênh 5 Chùa trên địa bàn huyện Hòn Đất; các đoạn sạt lở bờ biển nguy hiểm tại xã Bình Sơn, Thổ Sơn, Bình Giang (Hòn Đất). Về lâu dài, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện xử lý chống sạt lở bằng bờ kè phá sóng để gây bồi, tạo bãi, phục hồi rừng ngập mặn ven biển toàn tuyến từ Kim Quy đến Tiểu Dừa là 4.200m với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng; đầu tư xây dựng 31 cống trên biển An Biên - An Minh; phân bổ vốn đầu tư phát triển cho tỉnh xây dựng hoàn chỉnh dự án để sớm bố trí di dời 90 hộ dân còn lại ở giai đoạn 2 ra khỏi khu vực sạt lở đá núi Ba Hòn (Kiên Lương)…
Ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam (đứng) - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2019.
Để công tác PCTT và tìm kiếm, cứu nạn được triển khai tích cực, chủ động và hiệu quả hơn, đồng chí Nguyễn Văn Nam đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh quán triệt nghiêm, triển khai đồng bộ kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết công tác PCTT và tìm kiếm, cứu nạn năm 2018, đó là phải chủ động để ổn định, không bất ngờ, lúng túng trước tình huống xấu. Đồng chí Nguyễn Văn Nam đánh giá cao sự chủ động trong công tác PCTT thời gian qua của tỉnh. Theo đồng chí, Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu lớn nên phải làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai cho ngư dân, cộng đồng. Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm, cứu nạn các địa phương, các lực lượng vũ trang trên địa bàn phải là đơn vị tiên phong hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; làm tốt công tác xã hội hóa công tác PCTT. Đề nghị các lực lượng vũ trang từ Trung ương đến địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm làm tốt công tác hiệp đồng, phối hợp trong PCTT và tìm kiếm, cứu nạn; yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt công tác thông tin liên lạc giữa Bộ Chỉ huy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các phương tiện làm ăn trên biển, ngoài nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Đồng chí Nguyễn Văn Nam đề nghị tỉnh cần chủ động làm tốt việc xây dựng các dự án, các công trình Trung ương hỗ trợ cũng như các dự án, công trình tỉnh đầu tư càng sớm càng tốt trước mùa mưa bão để phát huy hiệu quả.