Hiệu quả từ những dự án đầu tư tại Kiên Giang
(00:35 | 20/08/2019)

 

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng nhiều chính sách thu hút đầu tư, đã có nhiều dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh hoạt động hiệu quả, không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho 8.000 lao động mà còn đóng góp gần 1.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách tỉnh.

 

MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ TỐT

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến hết tháng 6-2019, có 25 dự án đăng ký đầu tư tại 2 khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (TP. Hà Tiên), trong đó, có 21 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư 5.742,3 tỷ đồng. Có 10 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định trong các khu công nghiệp.

Ông Cao Thanh Lương - Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, cho biết: “Quyết định đầu tư nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu Thái Bình (TBS) Kiên Giang tại khu công nghiệp Thạnh Lộc vì Công ty nhận thấy Kiên Giang là tỉnh có thế mạnh về thương mại, dịch vụ, lực lượng lao động đông và trẻ, việc đầu tư vào tỉnh sẽ tận dụng được nguồn lao động tại chỗ, giúp lao động ly nông không ly hương”. Ông Lương còn cho biết thêm, trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công ty được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện về xây dựng hạ tầng, tuyển dụng lao động để nhà máy giày sớm đi vào hoạt động. Dự án nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang vốn đầu tư 760 tỷ đồng. Năm 2018, sản lượng sản xuất của nhà máy đạt 12 triệu đôi giày/năm, giá trị đạt 4 tỷ đô la Mỹ.

Ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang, khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành)

 

Hiện TBS Kiên Giang giải quyết việc làm cho trên 3.226 lao động. Dự kiến đến năm 2021, khi nhà máy sản xuất túi xách của công ty đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Từng làm công nhân tại Bình Dương, năm 2016, chị Tống Thị Kim Liên, ngụ ấp Phước Lợi, xã Mong Thọ B (Châu Thành) quyết định trở về quê để xin việc tại TBS Kiên Giang. Chị Liên cho biết: “Có nhà máy tại tỉnh tạo việc làm như vầy em và bạn bè mừng lắm vì khỏi phải xa xứ. So với ở Bình Dương, làm công nhân ở khu công nghiệp Thạnh Lộc có dư hơn vì gần nhà, ít tốn chi phí thuê trọ, đi lại, vừa gần ba mẹ lại đưa rước con đi học được”.

VỮNG TIN PHÁT TRIỂN

Theo đồng chí Lê Minh Trung – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, một số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả bước đầu về đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm cho 8.000 lao động. Cụ thể như: Dự án nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang, vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 145 lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 900 tỷ đồng/năm. Dự án nhà máy sản xuất, gia công giày thể thao xuất khẩu Hwaseung Rạch Giá, vốn đầu tư trên 749 tỷ đồng, sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,5 triệu đôi giày; giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Dự án nhà máy đông lạnh thủy sản Kiên Hùng, vốn đầu tư 141 tỷ đồng, mới đưa vào hoạt động trong tháng 6-2019, hiện giải quyết được khoảng 420 lao động.

Ảnh: Công nhân Nhà máy Gỗ MDF VRG Kiên Giang đóng kiện gỗ MDF thành phẩm chuẩn bị xuất hàng.

Là một trong những dự án hoạt động hiệu quả, được tỉnh đánh giá cao trong việc góp phần phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh, dự án nhà máy sản xuất gỗ MDF VRG Kiên Giang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hiện là dự án chế biến lâm sản lớn, hiện đại của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy sản xuất gỗ MDF VRG Kiên Giang đi vào hoạt động, có cơ chế thu mua, phát triển vùng nguyên liệu hợp lý không chỉ mở ra triển vọng thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp Kiên Giang phát triển mà còn có đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương. Nhà máy sản xuất đạt gần 95.000m3gỗ/năm, nộp ngân sách 18 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 270 lao động tại nhà máy và hàng ngàn lao động thông qua việc thu mua nguyên liệu gỗ của người dân để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Dương Tấn Thanh – Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang, cho biết: “Ngoài đầu tư nhà máy chế biến gỗ, nhà máy còn được tỉnh giao quản lý, sử dụng 3.903ha rừng để đảm bảo một phần nguyên liệu cho nhà máy, duy trì và kết hợp trồng mới diện tích rừng của tỉnh. Bên cạnh mặt hàng ván MDF, HDF, hiện công ty đang tiếp tục chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm cao cấp có độ phát thải thấp phục vụ nhu cầu thị trường”.

Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 khu công nghiệp định hướng phát triển đến năm 2020 với tổng diện tích 763ha. Tỉnh xác định 2 khu công nghiệp chiến lược tập trung kêu gọi đầu tư gồm Thạnh Lộc (Châu Thành) và Thuận Yên (TX. Hà Tiên). Đây là 2 khu công nghiệp nằm gần khu dân cư, thuận lợi cho việc tuyển lao động, gần TP. Rạch Giá và sân bay Rạch Sỏi. Năm 2019, triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều yếu tố thuận lợi, nhất là việc Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều hướng đi giúp cho việc kêu gọi thu hút đầu tư được tốt hơn; một số hạng mục công trình trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đã được bố trí vốn trung hạn để triển khai, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc chủ động đẩy nhanh đầu tư phát triển các khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn.

ĐẶNG LINH - PV BÁO KIÊN GIANG