Lan tỏa phong trào phụ nữ Tân Hiệp khởi nghiệp
(20:02 | 11/09/2019)

 

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tân Hiệp triển khai nhiều hoạt động giúp chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhiều cách làm hay, mô hình mới được áp dụng, qua đó giúp hội viên, phụ nữ có thêm thu nhập, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội.

 

Sau khi thất bại với một số loại cây trồng như bắp, ớt, đậu bắp, năm 2015, chị Nguyễn Thị Thêm (48 tuổi), ngụ ấp Phú Hiệp, xã Tân Hội chuyển sang trồng 400 gốc ổi lê trên 1.000m2 đất lúa kém hiệu quả. Liên tục 2 năm nay, mỗi ngày vợ chồng chị Thêm thu hoạch từ 30-50kg ổi thương phẩm, thương lái mua tận vườn với giá 10 ngàn đồng/kg. “Tuy diện tích trồng ổi không lớn nhưng lợi nhuận từ 8-9 triệu đồng/tháng, gấp 10 lần trồng lúa. Cây ổi dễ trồng, lại ít tốn công chăm sóc, giá bán phải chăng, lại dễ tiêu thụ”, chị Thêm nói. Ổi lê dễ trồng, giai đoạn sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, ít sâu bệnh lại cho trái quanh năm. Sau những lần thất bại, chị Thêm và chồng động viên nhau “Ai cũng phải vấp ngã khi mới khởi nghiệp, khi thất bại phải rút ra được kinh nghiệm để làm tốt hơn”.

 

Ảnh: Chị Nguyễn Thị Thêm, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Tân Hội (Tân Hiệp) giới thiệu mô hình trồng ổi theo hướng    an toàn với đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hội.

Nhiều lần thử nghiệm, chị Thêm thấy để trồng ổi lê đạt năng suất cao ngoài đòi hỏi về giống tốt thì kỹ thuật chăm sóc là yếu tố quyết định. Vườn ổi của chị Thêm được trồng theo hướng an toàn, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, kỹ thuật bao trái từ nhỏ nên hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng trái ổi vẫn bóng, đẹp, vị ngọt đặc trưng. Trong vườn, hàng năm chị thả vài trăm con gà nòi vừa có thêm thu nhập, vừa giúp vườn ổi hạn chế sâu bệnh. Hội LHPN xã Tân Hội hỗ trợ chị vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để đầu tư hệ thống tưới phun tự động vừa giúp giảm nhân công, vừa giúp vườn ổi sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết khô hạn. Ngoài ra, từ nguồn vốn này chị Thêm có thêm vốn để trồng thêm hơn một trăm gốc mãng cầu xiêm. Hiện mãng cầu đang cho thu hoạch lứa trái đầu tiên.

Khởi nghiệp ở nông thôn người ta hay nghĩ tới việc làm nông hay chăn nuôi, nhưng vẫn có những phụ nữ chọn hướng đi riêng và có thu nhập ổn định. Không tốn nhiều vốn, mặt bằng, bà Nguyễn Thị Sánh (59 tuổi), ngụ ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông A quyết định tái khởi nghiệp với chiếc xe đạp cũ ngày ngày chở quần áo may sẵn bán dạo theo các tuyến kênh trong xã. Quần áo cho mọi lứa tuổi, giá bán từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm nên xe quần áo di động của bà Sánh luôn đắt khách. Công việc này giúp bà có thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng/tháng giúp trang trải sinh hoạt gia đình, hai đứa con bà Sánh tốt nghiệp đại học cũng nhờ xe quần áo này. Bà Sánh cho biết: “Có lúc đóng tiền học cho con hụt vốn, nhờ Hội LHPN xã giúp vay vốn ngân hàng 6 triệu đồng nên khỏi vay nóng bên ngoài”.

Theo Hội LHPN huyện Tân Hiệp, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, hàng năm các cấp hội LHPN trong huyện phối hợp các ngành mở 66 lớp đào tạo nghề cho lao động nữ, có 1.991 chị tham gia và 3.844 chị tham gia các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, tạo việc làm tại nhà. Ngoài ra, thực hiện Kế hoạch số 101-KH/BTV của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện về việc thực hiện chương trình thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, chỉ tính riêng năm 2018 đã có 101 chị được hỗ trợ vốn vay với số tiền 505 triệu đồng. 

ĐÔNG HƯNG - PV BÁO KIÊN GIANG