Từ trụ sở xã Tân Hội, chúng tôi chỉ mất hơn 15 phút di chuyển bằng xe máy tiến sâu vào kênh Năm Vụ đã tìm được vườn chanh của anh Pho. Khu vườn với hơn 100 gốc chanh tươi tốt trĩu quả lọt thỏm giữa những cánh đồng lúa chín vàng đã cho thu nhập từ năm 2018 đến nay. “Năm 2018 tôi thu nhập chỉ 30 triệu đồng từ vườn chanh, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay tôi thu được hơn 6 tấn trái, bán được 100 triệu đồng, chi phí chỉ chiếm khoảng 10%. Chanh dễ trồng, hợp thổ nhưỡng nơi đây và ít tốn công chăm sóc”. Bí quyết thu lợi nhuận cao từ cây chanh của anh Pho là chọn thời điểm giá chanh có giá để thu hoạch. Theo quan sát thị trường nhiều năm, anh Pho nhận thấy vào mùa nắng nóng từ tháng giêng đến tháng 5 âm lịch do nhu cầu thị trường tăng nên giá chanh rất cao, có thời điểm giá chanh đạt mức 25 ngàn đồng/kg. Giống chanh của anh Pho trồng là chanh núm bông tím, vỏ mỏng, nước nhiều và mùi thơm đặc trưng nên được thị trường ưa chuộng. Chanh thu hoạch đến đâu, thương lái vào tận vườn thu mua hết đến đó.
Anh Pho thông tin: “Chi phí chuyển đổi, cây giống chanh không nhiều, mật độ chỉ cần khoảng 128 cây/công là vừa. Khoảng 18 tháng sau khi trồng, chanh đã cho trái, nhưng cần cho dưỡng tàng đến một năm, đây là thời gian cho trái tốt nhất, không bị si cây”. Đặc biệt, chanh núm bông tím có thể cho trái quanh năm, mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, lượng trái ít, nhiều còn tùy thời điểm. Khi thu hoạch đợt trái này xong nên tưới phân vào để đợt trái non tiếp tục phát lên.
Ảnh: Anh Nguyễn Văn Pho giới thiệu với cán bộ Xã Đoàn Tân Hội về hiệu quả của cây chanh bông tím của gia đình.
Học hết lớp 8, anh Pho đi làm công nhân tại Tây Ninh với mức thu nhập khá cao. Do mẹ anh bệnh nặng, nhà lại ít người nên anh đành trở về nhà để chăm sóc mẹ và đỡ đần cha chăm sóc 8 công ruộng. Thương người thanh niên nhanh nhẹn lại chịu khó học hỏi nên một người bà con khuyên anh nên chuyển đổi sang trồng chanh để tăng hiệu quả canh tác. Qua tìm hiểu, anh Pho biết được chanh trồng phải mất 1,5 năm mới cho thu hoạch nên còn chần chừ. Vậy là anh tìm đến những mô hình trồng chanh một số nơi để học tập. Nhận thấy ngoài cây chanh, các nhà vườn tại Đồng Tháp, An Giang còn trồng xen thêm ổi, rau màu các loại để lấy ngắn nuôi dài. Vậy là anh Pho trở về xin cha mẹ cho chuyển 1 công đất ruộng để trồng chanh. Ngày anh Pho lên liếp lập vườn chanh, có người còn bảo anh làm chuyện không giống ai, người lại bảo anh làm vườn để nuôi chuột chứ làm gì có thu nhập. Mặc cho nhiều người lời ra tiếng vào, anh Pho vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng lập vườn của mình. Cho đến khi vườn chanh cho những bông tím thơm lừng và cho trái oằn cây, được thương lái vào tận vườn thu mua thì mọi người mới tin việc anh Pho làm. Nhận thấy vườn chanh của anh Pho phát triển tốt, cho năng suất cao, nhiều nông dân trong xã, kể cả tỉnh An Giang cũng tìm đến tận vườn nhà anh để mua cây giống về trồng. Từ đầu năm đến nay, anh Pho đã cung ứng hơn 3.000 gốc chanh chiết nhánh, thu về hơn 40 triệu đồng. Bán cho ai số lượng cây bao nhiêu, ngày nào, anh Pho đều ghi chép cẩn thận bởi theo anh nói “Ghi để sau này bà con có nhờ chỉ phân, thuốc mình biết cách hướng dẫn cho chính xác”.
Đưa tay vuốt nhẹ những chồi non bật ra từ gốc chanh được trồng cách nay 2 tháng, anh Pho cho biết gia đình đã chuyển đổi thêm 7 công ruộng sang trồng 1.000 gốc chanh núm. Xung quanh vườn chanh, anh Pho thả thêm bầu, dưa leo, đậu đũa nhằm tận dụng diện tích đất, thêm thu nhập hàng ngày. Nhìn anh say sưa nói về chuyện làm vườn, kế hoạch tìm đầu ra cho nông sản trong tương lai mà đôi mắt ánh lên niềm hy vọng, tôi thầm khâm phục nghị lực của một thanh niên quyết tâm làm giàu trên đồng đất quê nhà.