Nông dân huyện Tân Hiệp đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
(23:59 | 30/09/2019)

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020; thời gian qua, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hiệp không ngừng tăng lên, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư đưa máy móc vào sản xuất, từ đó tiết kiệm sức lao động, giảm giá thành sản phẩm, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Những năm qua, huyện Tân Hiệp đã tập trung đầu tư, khuyến khích nông dân trên địa bàn huyện  này áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác và lựa chọn áp dụng cơ giới hóa phù hợp trong sản xuất; nhiều mô hình được nông dân ứng dụng có hiệu quả như: chương trình “nhân giống lúa cấp xác nhận” bằng phương pháp cấy máy, “cánh đồng lớn-sản xuất theo hướng VietGAP”, mô hình “công nghệ sinh thái, trồng hoa bờ ruộng”, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, chương trình ứng dụng “1 phải 5 giảm”, trong cach tác lúa... các chương trình trên do Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Tân Hiệp chủ trì; giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội nông dân huyện đã phối hợp cùng, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn triển khai, thực hiện; riêng mô hình cấy máy chủ yếu tập trung  tại hai xã là Thạnh Đông A và Tân Hội với diện tích trên 250 ha.

Trong quá trình thực hiện đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Cty giống cây trồng Miền Nam, tập huấn hướng dẫn nông dân thực hiện theo đúng yêu cầu của dự án, bước đầu cho thấy kết quả đạt khả quan. Bên cạnh lợi nhuận thu được từ sản xuất lúa theo phương pháp cấy, dịch vụ cấy lúa, dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón bằng bình phun động cơ,… dự án đã xây dựng được hai nhóm liên kết sản xuất lúa với hàng chục thành viên tham gia (tổ cấy HTX Kênh 8B xã Thạnh Đông A và HTX Phú hòa xã Tân Hội) . Các thành viên trong nhóm liên kết với nhau nên việc canh tác lúa bước đầu có tổ chức và mang tính tập thể, trong đó, các thành viên cùng tuân thủ các quy định chung trong thực hiện các khâu sản xuất lúa như: xuống giống đồng loạt, sử dụng giống nguyên chủng, đúng lịch thời vụ, gieo cấy cùng một giống lúa, bón phân cân đối và cùng các loại phân, thực hiện bón lót đầu vụ, quản lý dịch hại theo 1 phải 6 giảm, quản lý nước ngập - khô xen kẽ, khử lẫn theo giai đoạn sinh trưởng và phát triển của lúa...

Đồng thời, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Cty giống cây trồng Niềm Nam, đã đem lại lợi ích như chủ động tiêu thụ sản phẩm của người nông dân, sản xuất ra sản phẩm an toàn đáp ứng được yêu cầu của Công ty nói riêng và của thị trường nói chung; từ khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa…năng suất và chất lượng tăng lên rõ rệt, đảm bảo theo yêu cầu của Cty thu mua, giá thành sản xuất giảm và hiệu quả kinh tế tăng lên trên cùng một diện tích.

Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang được đẩy mạnh, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân trên cùng diện tích canh tác. Hiện toàn huyện có 15.155 máy móc các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó có: 913 máy cày, xới; 430 máy gặt đập liên hợp; 411 máy sấy lúa; 6.668 máy phun thuốc BVT; 988 dàn phun thuốc BVT; 2790 máy phun phân, sạ lúa; 636 mô tơ điện241 công cụ sạ hàng; 6 máy cấy; 51 máy sạ hàng; 3 máy cuốm rơm  và hàng ngàn máy bơm nước các loại..., tăng 39,7% so với năm 2015. Việc cơ giới hóa tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, gieo sạ, tưới tiêu và thu hoạch đạt trên 98% đối với 36.000 ha diện tích đất trồng lúa toàn huyện. Số máy móc và dụng cụ này đáp ứng tốt nhu cầu trong sản xuất nông nghiệp của nông dân, làm giảm chi phí tăng lợi nhuận hàng chục tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được nâng cao, hiện nay cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 100%, bơm tưới bằng điện đạt 56%, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt 100%, đã giải quyết được nhiều khó khăn trong tình hình thiếu lao động như hiện nay.

Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện ít nhiều còn mang tính chất tự phát, thiếu đồng bộ, và còn hạn chế như: công cụ sạ hàng, máy sạ hàng sử dụng kém hiệu quả, trong sản xuất mới tập trung chủ yếu khâu làm đất, thu hoạch còn khâu gieo cấy chỉ mới đạt 69%, các khâu chăm sóc, bảo quản chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất chưa cao, còn ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường...

Trên thực tế, do lực lượng lao động chính trong nông nghiệp hiện nay đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề khác như ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ra ngoài địa phương; nên nhu cầu phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện là rất cần thiết. Bởi cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là khâu then chốt, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Việc thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp sẽ thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa mà Huyện Tân Hiệp đang hướng đến, qua đó từng bước tiến tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và bền vững./.

THUỲ TRANG-HND TÂN HIỆP