Từ giã nghề tài xế xe tải ngược xuôi từ Nam ra Bắc đã gắn bó hàng chục năm, anh Danh Nhạnh về quê nhà ở ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị chuyển đổi 3 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh dưa leo. Vụ dưa leo đầu vào năm 2013 anh Nhạnh lỗ vốn do chi phí lên liếp khá cao, lại thiếu kỹ thuật nên năng suất dưa leo đạt thấp. Không nản chí, anh tiếp tục trồng dưa leo, đúc rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện quy trình canh tác dưa leo. Nhìn ruộng dưa leo xanh mướt với cơ man là trái, chúng tôi hiểu anh Nhạnh đã và đang thành công với mô hình trồng dưa leo bằng màng phủ nông nghiệp. Hiện đang vào cao điểm thu hoạch rộ nên anh Nhạnh phải thuê 4 lao động để phụ thu hoạch dưa. “Mùa nước nổi khó trồng rẫy lắm nhưng trồng được thì rất được giá. 3 công dưa leo này, mỗi ngày thu hoạch từ 700kg đến 1 tấn dưa, thu hoạch đến hết mùa có thể được 18 tấn dưa. Với giá bán dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, tôi lời hơn 100 triệu đồng sau 2 tháng canh tác”, anh Nhạnh cho biết.
Cạnh đó, ông Lê Văn Có - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh từ năm 2014 đến nay với mô hình lúa - màu cũng đang thu hoạch vụ dưa leo thứ 4 trong năm 2016. Với giá 8.000 đồng/kg như hiện nay, trừ hết các chi phí, ông Có thu về hơn 11 triệu đồng từ 1 công dưa leo cạnh nhà. “Do trồng trong khu vực sản xuất lúa nên phải canh khi nào ruộng xung quanh xịt xong đợt thuốc cỏ tôi mới xuống giống dưa leo để dưa không bị thiệt hại”, ông Có nói.
Ảnh: Đồng chí Trần Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hiệp thăm mô hình trồng ớt trên nền đất vườn của anh Nguyễn Văn Lợi, ngụ ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp).
Trong khi mọi người thu hoạch dưa leo, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi, ngụ ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị, đang đợi vài ngày nữa thu hoạch vụ ớt đầu tiên. Đưa chúng tôi tham quan ruộng ớt xum xuê trái được trồng trên nền đất vườn tạp, vợ chồng anh Lợi không giấu được niềm vui khi giá ớt trên thị trường đang ở mức 35.000 đồng/kg, tăng gấp ba lần so cùng kỳ năm ngoái. Anh Lợi nói: “Trồng rẫy cực lắm, sáng tưới nước, trưa làm cỏ, dưa lớn thì cột giàn, xịt thuốc dưỡng, thu hoạch thì thức từ 3-4 giờ sáng để chong đèn hái. Vợ chồng chỉ có miếng vườn hơn 1 công đất, mình đất ít thì phải trồng rẫy để phát triển kinh tế gia đình”.
Theo đồng chí Lê Văn Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Trị, các hộ ông Lê Văn Có, anh Nguyễn Văn Lợi, anh Danh Nhạnh không chỉ là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là những hộ tích cực tham gia trong các phong trào của Hội Nông dân, nhiệt tình đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi công cộng trong xã. Để giúp các hộ trồng màu bớt gánh nặng về chi phí sản xuất, Hội Nông dân xã đã xây dựng dự án sản xuất rau màu với diện tích 3,4ha với 21 hộ tham gia và đề nghị Hội Nông dân huyện hỗ trợ vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. “Chúng tôi đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình chuyển đổi trong sản xuất của bà con nông dân ấp Đông Thọ B, xã Thạnh Trị. Khi dự án sản xuất rau màu được triển khai, Hội Nông dân huyện sẽ tạo điều kiện để bà con tiếp cận khoa học, kỹ thuật để phòng trừ dịch bệnh trên rau màu hiệu quả hơn, thu được lợi nhuận cao hơn”, đồng chí Trần Minh Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Hiệp, nói.