TRẦN THỌ HÒA - NÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT SẮC
(15:02 | 08/04/2020)

 

Kiên trì, chịu khó, ông Trần Thọ Hòa biến vùng đất hoang hóa thành đồng lúa màu mỡ và trang trại trồng chanh, nuôi cá lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.

 

Mới sáng sớm hai vợ chồng ông Trần Thọ Hòa đã nhễ nhại mồ hôi. Vợ chồng ông đang cố hái chanh tới kỳ thu hoạch để kịp giao khách hàng. Ông Hòa nói: “Khách đặt 100kg chanh, hái cho kịp giao. Giữ chữ tín mới làm ăn lâu dài được”. Sở hữu hơn 50ha đất ở ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều (Giang Thành), vợ chồng ông hàng năm thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng từ 35ha đất cho thuê, còn lại 10ha làm ruộng và 5ha trồng chanh, nuôi cá các loại.

Để có cơ ngơi vững chắc như bây giờ, nhắc lại, bà Trần Thị Nguyên, vợ ông Hòa ứa nước mắt. Bà bảo làm gì có chuyện ngày một ngày hai mà được vậy. Câu chuyện một thời gian nan, cơ cực trong quá khứ được nhắc lại.

ĐỐT ĐÈN DẦU ĂN CƠM CÁT

Năm 1980, từ Thanh Hóa ông Hòa theo anh chị vào Nam lúc 17 tuổi. Đơn vị quân đội của anh chị ở đâu thì ông ở đó. Thời gian sau, ông về công tác ở nông trường Vĩnh Điều A, rồi đi học sửa cơ khí. Sau đó mấy năm, nông trường giải thể, vợ chồng ông được chia 2ha và 300 gốc điều, gầy dựng sự nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn. Đất chỉ canh tác được một vụ lúa mùa. Bà Nguyên kể: “Hồi đó khổ lắm! Điện, đường không có. Ngày làm quần quật, tối về bưng chén cơm ăn mà cát bụi đầy chén. Những hạt cơm đen xì vì nấu với nước phèn nhìn thôi đã ứa nước mắt, cũng kéo dài hơn chục năm trời”. Kênh mương thủy lợi nội đồng chưa có nên chuyện làm lúa cực trần ai.

Nhưng cái khó không làm chùn bước được vợ chồng ông. Vùng đất mới trăm cái thiếu, nhiều người tới khai hoang rồi lại bỏ đi bởi chịu không nỗi cảnh không đường, không điện, khó khăn tứ bề. “Đất không bao giờ phụ người”, với suy nghĩ ấy, vợ chồng ông tìm đủ mọi cách để bám trụ. Hết đi lái đò, chở thuê, dần tích lũy mua máy cày khai hoang, mua thêm đất, lần hồi cuộc sống khá dần lên. Từ khi có kênh Nông Trường, làm được hai vụ lúa, cuộc sống gia đình ông Hòa dễ thở hơn. Ông mua thêm máy cắt làm dịch vụ, bán phân bón, đưa kinh tế gia đình đi lên.

ĐÔI BÊN CÙNG CÓ LỢI

Ông Hòa bảo mình liều lĩnh, trong khi nhiều người khai hoang xong bán đất bỏ đi thì ông lại mua thêm đất. Đến khi điều kiện thuận lợi, với diện tích đất đó, cùng hướng sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp, kinh tế gia đình ông phất lên. Thế nhưng ông vẫn giữ nguyên tắc như kim chỉ nam trong hành động của mình “Mình lời 10 chỉ lấy 3 thôi, để phần người khác 3-4, cùng tồn tại với nhau đó mới là cái đức ở đời”.

Chiều muộn, ông Hòa vẫn cẩn thận kiểm tra lại từng chiếc máy cắt, máy cày thợ mới đưa về. Ông làm dịch vụ theo kiểu “rất khỏe” bởi ông tin tưởng những người cùng làm với ông. Cắt ở đâu, ngày nào, diện tích bao nhiêu ông chỉ giao, còn lại những người thợ cùng làm đảm nhiệm tất cả. Và phần lợi nhuận được chia hợp lý.

Không chỉ tích góp đất sản xuất cho mình, ông còn khai hoang thêm đất để kéo bạn bè, người thân vào vùng đất này định cư. Người thì ông cho thẳng luôn vài chục công, người thậm chí một vài hecta. Điện có, đường nông thôn chưa có, ông kiến nghị chính quyền đầu tư đường. Không ai nghĩ giữa vừng đất miền biên viễn một thời hoang vu nay trở thành một vùng đất giàu sức sống với những cánh đồng lúa phì nhiêu, đường bê tông thẳng tắp, vườn cây ăn trái trĩu quả.

Không sở hữu một diện tích đất quá lớn, không có lợi nhuận kinh doanh “khủng” nhưng ông Hòa trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 bởi cái tâm và việc làm của một nông dân Việt chính hiệu. Đó là chuyện sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, san sẻ lúc khó khăn, biết tiến lùi đúng lúc, biết nói đúng lúc, biết làm đúng lúc, nói có lý có tình, làm tới nơi tới chốn. Không dừng lại ở đó, ông Hòa bảo sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả hơn ruộng đồng quê mình vì “Đất chẳng bao giờ phụ người có lòng. Mình biết tính toán, biết cố gắng thì mọi chuyện sẽ được đền đáp”.

 

Box: Ông Trần Thọ Hòa, ngụ ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều (Giang Thành) là nông dân Kiên Giang duy nhất được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.

ĐẶNG LINH - PV BÁO KIÊN GIANG