THÀNH PHỐ HÀ TIÊN HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
(14:54 | 29/04/2020)

 

Thời gian qua, thành phố Hà Tiên đã thực hiện khá tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn thành phố, đến nay đã đạt 92,26% kế hoạch; giải quyết việc làm đạt 104,12% kế hoạch giai đoạn 5 năm (2016 - 2020); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng; trình độ tay nghề cho lao động từng bước được nâng lên phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, góp phần giảm đi tình trạng thất nghiệp, hộ nghèo và các tệ nạn xã hội. Cơ chế, chính sách cho các đối tượng ưu tiên tăng so với các năm trước, đã kịp thời động viên người học an tâm học nghề. Ý thức về học nghề, lập nghiệp trong nhân dân ngày càng được nâng lên từ đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn xuống còn 0,66%.

 

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao kiến thức, lao động có tay nghề trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Thông qua học nghề người lao động ứng dụng kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hàng hóa và dịch vụ. Nâng cao thu nhập từng bước giảm nghèo, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội ở địa phương. Hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Tiên xây dựng kế hoạch đề ra các nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Tạo điều kiện cho lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề. Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác… Chuyển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Tiên tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn 750 người; hàng năm tư vấn việc làm cho 1.500 lao động, giải quyết việc làm cho 900 lao động. Kết quả đến nay đã đào tạo cho 692 người, đạt 92,26% so với chỉ tiêu kế hoạch. Tổng kinh phí chi cho đào tạo nghề thực hiện giai đoạn (2016 - 2020) trên 855 triệu đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tư vấn giới thiệu việc làm như: vẫn còn một bộ phận người lao động chưa tích cực tham gia học nghề để có việc làm ổn định; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa thấy được trách nhiệm của bản thân để tự lực vươn lên trong cuộc sống. Việc phối hợp với các doanh nghiệp để đào tạo theo địa chỉ hay đào tạo nghề theo đơn đặt hàng còn gặp nhiều khó khăn do chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động còn thấp, không đảm bảo đời sống gia đình…

Trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố Hà Tiên tập trung đào tạo các nghề kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi như: Trồng rau an toàn; chăn nuôi gia súc - gia cầm; nuôi trồng thủy sản; kỹ thuật trồng hoa kiểng; kỷ thuật nuôi cua; trồng hồ tiêu; các nghề để phục vụ ngành du lịch địa phương như: Nghiệp vụ buồng, bàn; lễ tân; kỹ thuật bếp; hướng dẫn du lịch; tiếng anh giao tiếp; các ngành nghề về lĩnh vực xây dựng... thời gian dạy nghề dưới 3 tháng, chủ yếu tập trung cho những nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật, giản đơn, người lao động đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình học tập; được thực hiện linh hoạt về thời gian, địa điểm, phương thức đào tạo để phù hợp với nhu cầu người học. Dạy nghề trình độ sơ cấp: Từ 3 tháng đến dưới 1 năm, nhằm trang bị cho người lao động năng lực thực hành 1 nghề giản đơn hoặc năng lực thực hành một số công việc của một nghề. Để thực hiện tốt công tác này, thành phố Hà Tiên tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, tập trung công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục định hướng, phân luồng học sinh. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, đơn vị vận động lao động tham gia học nghề, giới thiệu việc làm; đánh giá đúng thực trạng nguồn lao động trên địa bàn; xác định số lượng lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, của thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho lao động. Huy động các nguồn lực, hoạt động của kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các chương trình, đề án, dự án có liên quan như: Đề án quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới: dự án cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn khởi sự doanh nghiệp; dự án giảm nghèo… nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương.

Huy Quỳnh-HND Hà Tiên