Bà Nguyễn Thị Thơm, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) cho biết, gia đình bà có 10 công ruộng tầm lớn gieo sạ lúa hè thu 2020 được 7 ngày nhưng bị chuột cắn phá hơn 30% diện tích. Đi dọc theo bờ bao dài 1km có nhiều cỏ mọc với những hang chuột khá to, chúng tôi nhận thấy những đám ruộng trơ dày đặc dấu chân chuột. Bà Thơm nói: “Chuột cắn phá ngày một nhiều, 10 công ruộng bị chuột cắn phá hết 3 công. Đầu vụ đến giờ đã sử dụng 30 gói thuốc mà vẫn không diệt được chuột. Gia đình sốt ruột quá nên cứ 2 ngày lại dùng thuốc diệt chuột nhưng vẫn không hiệu quả”.
Cách nông dân thường làm hiện nay là mua thuốc diệt chuột. Tuy nhiên, diệt chuột bằng thuốc không hiệu quả buộc nông dân phải sử dụng thuốc nhiều lần khiến chi phí tăng cao. Ngoài ra, đối với những thửa ruộng bị chuột cắn phá, nông dân phải bón nhiều lần phân bón để lúa phục hồi. Điều này khiến chi phí đầu tư cho vụ lúa tăng thêm nhưng chưa chắc đã đảm bảo năng suất cuối vụ, vì khả năng chuột tiếp tục cắn phá khi lúa làm đòng rất cao. Ruộng gia đình ông Phạm Hồng Phương, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B cũng xảy ra tình trạng chuột cắn phá lúa. “Để diệt chuột, tôi đặt rập, xay gạo lứt trộn thuốc nhưng không ăn thua. Mới năm rồi tôi thuê 10 công ruộng canh tác nhưng bị chuột cắn phá từ đầu đến cuối vụ nên lỗ hơn 4 triệu đồng. Đó là chưa kể lỗ công chăm sóc, cấy dặm và chi phí 130 gói thuốc chuột”.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thơm, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B (Tân Hiệp) chuẩn bị thuốc để diệt chuột.
Từ lâu một trong những khuyến cáo ngành bảo vệ thực vật đưa ra đầu tiên trước mỗi vụ sản xuất là kêu gọi nông dân diệt chuột. “Cứ năm nào lũ nhỏ thì chuột lại bùng phát. Chuột sinh sản rất nhanh và nhiều nên tăng đàn rất nhanh. Do chuột gây hại rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh nên hiện nay chưa có số liệu thống kê tổng hợp cụ thể”, Tiến sĩ Trần Quang Giàu - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nói. Theo Tiến sĩ Trần Quang Giàu, chuột là đối tượng tinh ranh nên khó diệt hơn so với các đối tượng gây hại khác. Do đó, để hạn chế chuột gây hại trên đồng ruộng, cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp, phải tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như phải tiến hành sớm, tiến hành thường xuyên, liên tục và đồng loạt trên diện rộng. Không nên để đến lúc chuột gây hại quá nặng mới tìm cách trị thì hiệu quả sẽ không cao. Về biện pháp, ngoài đào hang bắt chuột hoặc dùng bẫy, bả để diệt chuột, người dân nên sử dụng một số loại thuốc diệt chuột thuộc nhóm chống đông máu ít độc hại với môi trường. Chính quyền địa phương, các đoàn thể nên tổ chức vận động người dân ra quân diệt chuột đồng loạt trên diện rộng mới có thể thu được kết quả như mong muốn nhằm tránh tình trạng ruộng này vừa diệt xong thì chuột ở ruộng khác chưa diệt được sẽ tràn sang gây hại tiếp ruộng khác. Ngoài ra, người dân có thể trồng khoảng 50m2 lúa thơm, sau đó dùng cao su bao quanh ruộng, đồng thời đặt một số hom để chuột vào ruộng lúa và không thoát ra được, sau đó tiến hành dặm cù và bắt sống chuột. Tiến sĩ Trần Quang Giàu cũng lưu ý người dân không nên sử dụng điện để diệt chuột vì dễ gây nguy hiểm đến tính mạng con người.