Lãi khá nhờ đưa rau, nấm vào nhà
(09:57 | 01/06/2020)

Áp dụng các phương pháp trồng màu thích ứng với biến đổi khí hậu như trồng nấm trong nhà, trồng rau trong nhà lưới bằng phương pháp thủy canh, nông dân trong tỉnh thu lợi nhuận khá ngay trong mùa nắng hạn nhờ rau màu đạt năng suất lại bán được giá.

Mặc cho trời nắng nóng, cơ sở trồng rau thủy canh Kim Gia Phát của chị Diệp Thị Diễm Thúy, tại số 986/28D đường Nguyễn Trung Trực, phường An Hòa (TP. Rạch Giá) vẫn xanh tốt. Tuy chi phí điện, nước tưới mùa nắng nóng tăng 40% nhưng chị Thúy vẫn giữ nguyên giá bán để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng nguồn thu nhập do dịch COVID-19. “Cây rau trồng trong nhà lưới có hệ thống ống dẫn dung dịch dinh dưỡng tự động đã giúp vườn rau nhà tránh được nắng mưa, chủ động nước tưới. Đặc biệt rau không bị sâu bệnh và hầu như không có rủi ro như trồng rau truyền thống”, chị Thúy nói.

Cách đây 1 năm, xuất phát từ nhu cầu có nguồn rau sạch cho bữa ăn gia đình, chị Thúy và chồng đã đầu tư kệ trồng rau thủy canh mini tại nhà. Với những kinh nghiệm dần tích lũy được, gia đình chị Thúy quyết tâm đầu tư hơn hàng trăm triệu đồng để làm nhà lưới trồng rau xanh trên diện tích 500m2. Tăng diện tích trồng rau từ 1 tầng lên 2 tầng, chủng loại rau xanh cũng được chị Thúy trồng thêm nhiều loại như tía tô, tần ô, ngò rí để đa dạng sản phẩm. “Khách hàng của tôi không chỉ có các bà nội trợ lo bữa ăn gia đình mà còn có chị bán bánh mì, chủ nhà hàng cần nguồn rau sạch cho khách hàng. Chính sự thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng chú trọng vấn đề an toàn cho sức khỏe cộng đồng đã tạo điều kiện cho trại rau gia đình ngày càng phát triển”, chị Thúy nói.

Thực hiện quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, giữa năm 2019, gia đình chị Thúy khai trương cửa hàng bán rau thủy canh tại số 42 Huỳnh Mẫn Đạt, cạnh chợ Bắc Sơn (TP Rạch Giá) chuyên cung cấp các mặt hàng rau xanh ăn lá, gạo hữu cơ đóng túi... Tất cả các loại rau bày bán tại cửa hàng đều do gia đình chị Thúy trồng bằng công nghệ thủy canh trong nhà lưới. Nguồn nước sử dụng là nước máy, được lọc qua hệ thống RO để loại bỏ kim loại, vi khuẩn, còn chế phẩm dung dịch hữu cơ có nguồn từ Nhật Bản. Vì vậy, tất cả các loại rau cửa hàng cung cấp tới tay người tiêu dùng đều đảm bảo tiêu chí “5 không” - không giống biến đổi gen, không phân bón hóa học, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, không thuốc kích thích sinh trường và không chất bảo quản. Hiện chị Thúy đang sản xuất các loại rau ăn lá như xà lách, cải ngọt, cải rổ, cải bẹ dúng, rau muống, rau mùi các loại... mỗi ngày cung cấp ra thị trường từ 30-50kg, giá bán từ 30-50 ngàn đồng/kg tùy loại.

 

 Ảnh: Vợ chồng ông Trần Văn Đoán thu hoạch nấm rơm được trồng trong nhà.

 

Một ngày nắng nóng cuối tháng 4, chúng tôi đến tham quan trại nấm rơm của ông Trần Văn Đoán, ngụ ấp Kênh 8A, xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp). Với nhà nấm được bố trí trên phần đất sau nhà được bố trí trên diện tích 70m2,  mỗi ngày ông thu hoạch từ 8-10kg nấm rơm thương phẩm, thương lái đến tận nhà tranh mua với giá 50 ngàn đồng/kg và giá bán lẻ từ 60-70 ngàn đồng/kg. Ông Đoán cho biết: “Hai năm nay tôi trồng nấm rơm trong nhà, tuy cực nhưng tránh được nắng nóng là giảm năng suất, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức trồng nấm ngoài trời”. Với 2 nhà nấm, ông Đoán cần 100 cuộn rơm khô để sản xuất nấm. Sau 1,5 tháng trồng sẽ thu được tổng số 200kg nấm thương phẩm, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 5-6 triệu đồng.

Theo ông Đoán, trồng nấm trong nhà không phải tốn chi phí rơm đậy theo dòng và công thu hoạch nhiều. “Rơm để trồng nấm phải được ủ. Sau 6 ngày ủ tiến hành đảo rơm để rơm chín đều. Thường chất nấm vào những tháng nắng nóng thì tưới nước 2 lần/ngày, ít thì 1 lần. Sau khi chất nấm khoảng 12 - 14 ngày thì tiến hành thu hoạch. Nấm ra tập trung nên việc thu hái rất thuận lợi. Thu hoạch xong đợt 1, tưới nước, chăm sóc cho nấm phát triển đợt 2”. Hướng tới đây, ông Đoán cho biết sẽ đầu tư hệ thống phun sương và quạt hút để nâng cao hiệu quả của việc trồng nấm trong nhà. Được biết, ông Đoán là một trong 6 hộ thành viên của Tổ hợp tác trồng nấm rơm đạt chuẩn VietGAP Kênh 8A với tổng diện tích 1.100m2.

ĐẶNG LINH-PV BÁO KIÊN GIANG