NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC CỦA HỘI NÔNG DÂN HUYỆN AN BIÊN
(00:09 | 01/01/2021)

Thực hiện lời dạy của Bác "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...", "Càng khó khăn, càng phải đẩy mạnh thi đua", trong 05 năm qua với chủ đề xuyên suốt là “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới”, các phong trào thi đua yêu nước nói chung, hệ thống tổ chức Hội Nông dân từ huyện đến cơ sở nói riêng đã có nhiều đổi mới và phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Nội dung và hình thức thi đua ngày càng được đổi mới bám sát vào các nhiệm vụ chính trị được giao.

Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp Hội đã chủ động tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan để vận động, hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, tạo điều kiện cho hội viên nông dân trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Đã có hơn 258 lượt hộ hội viên, nông dân được vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân với 6 tỷ 261 triệu đồng; Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung ương đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng, cho 129 lượt hộ vay vốn; Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đã cho 129 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn với tổng số tiền hơn 1,83 tỷ đồng.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong nội bộ nông dân, thể hiện rõ nhất là việc nông dân trực tiếp hỗ trợ về kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách thức làm ăn, giúp vốn, vật tư, cây, con giống cho hội viên Nông dân từ nghèo khó vươn lên ổn định cuộc sống. Các cấp Hội đã vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp cho hơn 2.500 lao động có việc làm tại chỗ, thường xuyên hoặc làm theo mùa vụ; có 543 hộ hội viên thoát nghèo; nhiều hộ phát triển khá giàu, đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bình quân hàng năm có hơn 10.000 hộ nông dân đăng ký, trong đó có hơn 6.800 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, cho thu nhập từ 100.000.000 đến 600.000.000 đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Phong trào ngày càng xuất hiện những tập thể và cá nhân điển hình tiêu biểu như: Mô hình nuôi cua đinh thương phẩm của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Nam Yên; Tổ hợp tác trồng dưa hấu luân canh của chi hội nông dân ấp Phú Hưởng, xã Đông Thái; mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Nông ấp Lô 15A được chứng nhận VietGap gạo ST24 và Tổ hợp tác tôm - lúa sản xuất tôm sạch được chứng nhận VietGap ấp Lô 15, xã Hưng Yên; Tổ hợp tác trồng rau an toàn khu phố 4, thị trấn Thứ Ba. Về cá nhân có: Mô hình nuôi tôm càng xanh hộ ông Đào Văn Ngoan ấp Ngã Cạy và mô hình tôm – cua – lúa hộ ông Danh Mẫm, ấp Xẻo Đước 1, xã Đông Yên; mô hình nuôi rắn hổ hèo, rắn tai tượng hộ ông Võ Thanh Hùng, ấp Lô 2, xã Hưng Yên; mô hình nuôi chim Yến hộ ông Trần Văn Bứng, khu phố 5 và mô hình chăn nuôi kinh tế tổng hợp (nuôi heo, cá và trồng rau) hộ ông Danh Bét khu phố 4, thị trấn Thứ Ba; mô hình nuôi ba khía dưới tán rừng phòng hộ hộ ông Lê Minh Kháng, ấp 6 Biển, xã Nam Thái. Điểm nổi bật là từ mô hình hiệu quả của tập thể và cá nhân đã nâng lên đầu tư xây dựng các thương hiệu đặc sản ở địa phương như: nhãn hiệu tập thể sò huyết, cua biển An Biên và một số sản phẩm có giá trị kinh tế như: cá bống mú, vẹm xanh, tôm càng xanh, đã góp mặt xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

 

Ảnh: Các cá nhân nhận biểu dương điển hình tiên tiến hội nông dân (2015-2020)

 

Các cấp Hội từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các cấp vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện 09 phần việc của hội trong xây dựng nông thôn mới. Có hàng ngàn gia đình hội viên, nông dân tự nguyện dỡ hàng rào, chặt cây, hiến hơn 29.000m2 đất để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa ấp, trường học (ông Nguyễn Văn Lượng ấp Rẫy Mới hiến 7.000m2 và ông Hồ Văn Tồn ấp Rọc Lá xã Tây Yên A hiến 8.200m2; ông Lâm Văn Thắng ấp Cái Nước hiến 4.500m2 đất; ông Lý Minh Thiện ấp Cái Nước hiến 3.500m2 đất và ông Võ Văn Chính ấp Kinh Mới xã Hưng Yên hiến 3.000m2 đất). Nhiều hội viên, nông dân đã vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống điển hình như hộ ông Trần Văn Bứng, thị trấn Thứ Ba cho thu nhập từ 150 đến 350 triệu đồng/năm; ông Danh Mẫm, ấp Xẻo Đước 1 xã Đông Yên cho thu nhập khoảng 370 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Nam Kiều, ấp Cái Nước, xã Hưng Yên cho thu nhập khoảng 410 triệu đồng/năm. Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trong công tác từ thiện nhân đạo, điển hình như ông Huỳnh Trung Hiếu, thị trấn Thứ Ba; ông Đỗ Ngọc Son, xã Hưng Yên; ông Nguyễn Văn Khỏe, xã Nam Thái A; ông Nguyễn Văn Thuận và Võ Văn Hùng xã Đông Thái, đã giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trà My-HND An Biên