Nhằm giúp bà con nông dân chủ động trong gieo sạ, tránh bị ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập, huyện Kiên Lương còn đề nghị ngành chức năng và các xã, thị tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ lại vụ Đông Xuân phải cách thời điểm thu hoạch trước ít nhất 2 tuần nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và dịch hại lan truyền từ vụ trước sang vụ Đông Xuân. Đối với khu vực gần biển, có khả năng bị xâm nhập mặn.
Trong vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân tại huyện Kiên Lương sử dụng các giống lúa chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85 - 95 ngày, chống chịu phèn khá như: OM5451, GKG1, OM18, OM2517. Đối với vùng có đê bao đảm bảo ngăn mặn, bà con nông dân còn sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trường dài hơn, có năng suất cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: OM4900, OM6976, Jasmine 85, Đài thơm 8, ĐS1; riêng giống lúa ĐS1 chỉ sản xuất khi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Đặc biệt là giống lúa ST24, ST25 đây là giống lúa thơm đặc sản, thích nghi tốt với vùng đất phèn mặn tại huyện Kiên Lương nên năm nay bà con nông dân tại huyện gieo sạ được hơn 4 ngàn ha.
Ảnh: Nông dân đang thăm đồng
Trong vụ lúa Đông - xuân năm nay, theo dự báo của ngành chức năng, do ảnh hưởng của thời tiết nên nước mặn có thể xâm nhập vào cuối vụ. Chính vì vậy, huyện Kiên Lương đã chủ động thực hiện việc điều hành đóng, mở các cống ngăn mặn hợp lý trên địa bàn huyện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về nguồn nước bơm tưới cho bà con. “Ngay từ đầu vụ, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp các cơ quan cấp tỉnh về việc đóng, mở các cống phù hợp, tích trữ nước cho bà con giaeo sạ lúa, nên việc gieo sạ năm nay thuận lợi, đúng thời lịch thời vụ, trà lúa của bà con phát triển tốt”. Ông Trần Bình Trọng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương, cho biết thêm.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo năng suất cũng như sản lượng đề ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân trong sản xuất vụ Đông Xuân năm nay, huyện Kiên Lương cũng đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình gieo sạ, nhất là những trà lúa đã gieo sạ trước đó, để phòng trừ dịch bệnh khi có phát sinh.