Những ngày đầu năm mới, chúng tôi về ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận (Giồng Riềng) thăm cơ sở sản xuất mắm cá Tám Dô của vợ chồng anh Trương Văn Dô (Tám Dô), một hộ vươn lên thoát nghèo nhờ nghề làm mắm cá truyền thống. Trong căn nhà tường khang trang trị giá hơn nửa tỷ đồng vừa được xây dựng, vợ chồng anh Tám Dô đang tất bật các công đoạn đóng hộp từng loại mắm theo các đơn hàng đầu năm. Mỗi năm một mùa nước nổi cũng là lúc cơ sở mắm Tám Dô có được nguồn cá đồng tươi ngon để làm nên món mắm đồng – một món ăn quen thuộc của người dân xứ sở miền sông nước. Anh Tám Dô nói: “Phải là cá đồng tươi thì làm mắm mới ngon, khi ướp cá mới ăn muối để khi chao, thính mới cho ra con mắm có mùi thơm ngon đặc trưng”. Mắm cá Tám Dô không quá ngọt như một số nơi sản xuất mà có vị mặn vừa, có vị ngọt tự nhiên từ thịt cá và có mùi thơm đặc trưng của mắm đồng. Tiếng lành đồn xa, người này ăn thấy ngon, truyền miệng lại cho người khác nên thương hiệu mắm Tám Dô ngày càng được nhiều người biết đến và luôn trong tình trạng “cháy hàng” vì nguồn cá nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Ba năm trở lại đây, năm nào anh cũng làm mắm từ 40 tấn cá đồng các loại. Vừa bán sỉ, bán lẻ, mỗi năm anh Tám Dô bán ra thị trường 20 tấn mắm, bán với giá từ 120-200 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình anh đã bớt đi phần khó khăn và từng bước vươn lên khá giàu. Cuối năm 2020, mắm lóc Tám Dô là một trong hai sản phẩm của huyện được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.
Ảnh: Chị Lê Thị Hết, vợ anh Trương Văn Dô đang chế biến món mắm tép trộn đu đủ.
Thực hiện chương trình OCOP, Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực như mắm cá, bánh tráng, rượu, măng cụt, sầu riêng... nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân. Huyện đã tổ chức tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm.
Là một trong những người mạnh dạn đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm trà mãng cầu xiêm, anh Nguyễn Tấn Đậu, ngụ ấp Tư Hạt, xã Thạnh Hòa (Giồng Riềng) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng mãng cầu xiêm và làm trà mãng cầu bán đã 2 năm nay. Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, tuy nhiên chỉ ở quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ ít, chủ yếu là bán lẻ cho người dân và một số cửa hàng. Tôi muốn mở rộng thị trường nên đã đầu tư đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu trà mãng cầu “2 Đậu”. Tôi được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã mạnh dạn đăng ký”. Hiện gia đình anh Đậu trồng 300 gốc mãng cầu xiêm, mỗi tháng chế biến và cung ứng ra thị trường Giồng Riềng và các thành phố Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên và Hồ Chí Minh 70-100kg trà mãng cầu.
Ảnh: Chị Lê Thị Hết, vợ anh Trương Văn Dô đang xếp các keo mắm lên kệ.
Theo đồng chí Nguyễn Thái Đông - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng, năm 2020, huyện có 2 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm bánh tráng Mạnh Tài (xã Thạnh Hưng), mắm cá lóc Tám Dô (xã Ngọc Thuận). Đồng thời, huyện còn 7 sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh gồm măng cụt, sầu riêng, rượu, tiêu, khô trăn… Trong đó, phấn đấu có thêm từ 1-2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm trà mãng cầu xiêm xã Thạnh Hòa và rượu Hoa Hải Đường xã Thạnh Hưng.