Trước khi dịch bùng phát, trung bình hàng năm, từ 20 đến 30 bè cá, các hộ nuôi thu lợi nhuận từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ một năm. Nhưng đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, cuối năm 2020, giá cả giảm mạnh khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Năm nay, tuy chưa thống kê chính xác số liệu, nhưng với tình hình hiện tại, dự kiến sẽ lỗ đậm hơn nữa. Chi phí cho cá mồi, nhân công lao động, tiền thức ăn đều đắt đỏ; trong khi đó, giá cá thịt lại quá rẻ khiến công việc của nhiều hộ nuôi điêu đứng và đang duy trì theo kiểu cầm chừng, tới đâu hay tới đó.
Với giá cá bóp trên thị trường hiện giảm chỉ còn 135.000 đến 140.000 đồng/kg đối với con cá đạt trọng lượng từ 4 - 5kg. Bên cạnh việc giá cá giảm mạnh, tỷ lệ cá con hao hụt trong quá trình nuôi cũng rất cao.
Ảnh: Nghề nuôi cá lồng bè ở xã đảo Hòn Nghệ (Kiên Lương) bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh Covid-19.
Theo Anh Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòn Nghệ nhận định về tình hình nuôi cá lồng bè ở xã đảo Hòn Nghệ là người nông dân đang bị ảnh hưởng nặng nề do cá thương phẩm không thể xuất khẩu và thị trường nội địa cũng tiêu thụ chậm. Giá cá xuất khẩu đã giảm từ 150.000 - 170.000 đồng/kg; còn cá tiêu thụ nội địa giảm từ 70.000 - 100.000 đồng/kg:
Trước tình cảnh khó khăn, nhiều hộ dân thiếu nợ ngân hàng nhưng không thể trả đúng hạn; một số hộ đứng trước nguy cơ giải nghệ nghề nuôi cá lồng bè để đi nơi khác làm ăn. Nói về những giải pháp để giúp bà con nông dân sớm thoát khỏi khó khăn, ổn định cuộc sống, anh Minh trình bày, ngân hàng nên gia hạn hoặc khoanh nợ, giãn nợ cho bà con; Chi cục thủy sản tỉnh Kiên Giang có thể tìm chuỗi liên kết để tiêu thụ bớt sản phẩm cá tồn đọng ở các lồng bè; hoặc hợp tác với các nhà máy chế biến để tiêu thụ cá thương phẩm cho bà con.