Từ công nhân trở về làm nông dân
(09:34 | 24/09/2021)

Trong khi nhiều người phải rời xa ruộng đồng để đến các khu công nghiệp làm công nhân thì chị Võ Bích Vân (40 tuổi), ngụ ấp Phạm Đình Nông, xã Thạnh Hưng (Giồng Riềng) lại trở lại với tay cày, tay cuốc sau thời gian dài xa xứ. Với tác phong công nghiệp có được trong những ngày làm công nhân đã giúp chị Vân sắp xếp thời gian khoa học, lao động hiệu quả và thu lợi nhuận khá cao từ sản xuất nông nghiệp.

Lướt chiếc xuồng ba lá dưới giàn mướp đang kỳ sai trỉu quả, chị Võ Bích Vân cười tươi khoe: “Những ngày mướp thu hoạch rộ sẽ cân được 150kg, bán giá 7.000 đồng/kg, chi phí trồng mướp rất thấp nên coi như lãi hơn 1 triệu đồng/ngày. Những lúc thu hoạch ít hơn mỗi ngày cũng tầm 30-40kg”. Chị Vân cho biết, vụ này chị trồng 400 dây mướp, sau 45 ngày mướp bắt đầu có trái cho thu hoạch liên tục từ 4-5 tháng thì dứt điểm. Để bớt chi phí nhân công, chị và chồng chị là người làm đất, lên dòng cũng là người thu hoạch, bón phân, tưới nước. Nhìn chị Vân cầm chiếc máy tưới nước tự động đi dọc theo liếp mướp, tôi thực sự khâm phục người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn nhưng lại quá giỏi giang này. Chị Vân cười bảo: “Hồi mới về, tôi nặng tới 52kg, giờ còn 46kg hà nhưng khỏe hơn, ít bệnh vặt. Tiền kiếm cũng dễ hơn, lúc làm công nhân, ngày nào tăng ca mới được 300 ngàn đồng, còn bây giờ trồng rẫy chủ động thời gian hơn, vợ chồng con cái sớm tối lại quây quần có nhau”. 

 

Ảnh: Chị Võ Bích Vân thu hoạch mướp.

 

Quyết tâm trở về quê nhà vì con chị đã tới tuổi đi học, những ngày đầu chị Vân đi làm rẫy thuê, rồi học cách trồng trọt của những người đi trước. Tính chị ham học hỏi, lại được người quen tận tâm chỉ dẫn nên chị Vân chuyển đổi 2 công ruộng của gia đình sang trồng màu. Nhận thấy mướp hương cho trái ngon, bán được giá lại ít sâu bệnh, chị Vân quyết định đầu tư trồng loài cây này. Học phong cách công nhân công nghiệp, chị quản lý 2 công đất rẫy quy cũ, đâu vào đó. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị Vân trồng ớt xen giữa liếp mướp.

Về kinh nghiệm trồng mướp hương, chị Vân cho hay, mướp trồng tương đối dễ nhưng phải chăm sóc tỉ mỉ từng trái. Cần bón phân cân đối, có chế độ tưới nước đầy đủ. Khi thu hoạch mướp tốt nhất là từ lúc trái còn non. Nếu để mướp phát triển to hơn sẽ kém vị ngọt và mùi thơm vốn có, độ ngon ngọt cũng giảm theo và tất nhiên bị mất giá. Để tránh việc thu hoạch mướp đồng loạt dễ dẫn đến giảm giá, chị Vân đang áp dụng phương thức thu hoạch trái rãi đều ra hàng ngày để bán từ 50-100kg/ngày. Cách thu hoạch này tuy có vất vã nhưng hiệu quả mang lại cao.

 

Ảnh: Chị Võ Bích Vân tưới nước cho liếp ớt.

 

Nguyên tắc cây trái làm ra không chỉ để bán mà còn phục vụ gia đình nên chị Vân hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học cho cây trồng. Chị Vân sử dụng chủ yếu phân rơm hoai mục ủ cùng phân chuồng, nhờ vậy tiết kiệm chi phí phân bón mà lại tăng sức đề kháng cho cây trồng, hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại.

Từ chuyện trên mướp, dưới ớt, mỗi ngày vợ chồng chị Vân bỏ túi ít nhất 300-400 ngàn đồng. Chị Vân nói: “Làm rẫy không giàu hơn ai nhưng thu nhập khá. Khỏe làm, mệt nghỉ, quan trọng là biết phân phối thời gian hợp lý để chăm sóc, thu hái đúng thời điểm”. Nhờ có đường cạnh rẫy mướp được xây dựng, bạn hàng vào tận vườn cân mướp còn sỉ thêm nên gia đình chị Vân tăng thêm thu nhập. “Giờ ham trồng rẫy lắm, sáng nào vợ chồng cũng dậy thiệt sớm ra rẫy sửa trái, thu hoạch. Thấy thành quả lao động được đền đáp xứng đáng làm hoài không biết mệt. Tôi đang học hỏi thêm mô hình chanh không hạt để tăng thu nhập trên cùng diện tích”, chị Vân nói.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang