TIẾP SỨC NHÀ NÔNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN
(10:36 | 24/09/2021)

Trong bối cảnh giãn cách xã hội việc tìm đầu ra cho nông sản đang gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh thuộc Hội Nông dân tỉnh đã có cách làm thiết thực, giúp nông dân tiêu thụ nông sản hiệu quả.

Đi vào hoạt động từ ngày 19-7, chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản do Trung  tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ nông, thủy sản cho bà con nông dân các huyện U Minh Thượng, Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất, Kiên Hải, Kiên Lương, An Biên, Giồng Riềng, Giang Thành và TP. Rạch Giá. Ông Nguyễn Văn Hai, thành viên Hợp tác xã trồng màu Thạnh Trúc, xã Thạnh Trị (Tân Hiệp) cho biết, gia đình ông có 5 công đất trồng dưa leo. Những năm trước, bình quân mỗi vụ thu về lợi nhuận 20-30 triệu đồng; còn vụ này, do khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá dưa leo giảm chỉ còn 3.000 đồng/kg nên chỉ bán thu hồi vốn chứ không có lãi. Nhờ Trung  tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh hỗ trợ tiêu thụ cho hợp tác xã, nên bà con thu hồi được vốn. Giá dưa leo giảm sâu mà đỏ mắt tìm không có ai thu mua”.

Tại các địa phương, người dân gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản. Khâu phân phối hàng hóa đang ách tắc, thương lái lại hạn chế thu mua nông sản trong điều kiện dịch COVID-19. Nhiều mặt hàng nông sản còn tồn đọng trong dân với số lượng khá lớn. Tại xã Nam Du (Kiên Hải), nhiều hộ nuôi cá lồng bè đang gặp khó khăn do cá tới kỳ xuất bán nhưng không có nơi tiêu thụ. Chỉ riêng Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du hiện còn 10 tấn cá bóp, 8 tấn cá mú trân châu và 4 tấn cá mú sao nuôi lồng bè tới kỳ xuất bán nhưng chưa tiêu thụ được. Bà Trần Thị Hội - Giám đốc Hợp tác xã nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du (Kiên Hải), cho biết: “Ở đảo nên bà con chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, nuôi cá lồng bè. Rất may có sự hỗ trợ tiêu thụ của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh nên mỗi ngày hợp tác xã cũng giúp ngư dân tiêu thụ từ 300-500kg cá, mực các loại, giải quyết việc làm trong mùa dịch từ 8-14 lao động”.

Sau gần 2 tháng giúp nông dân tiêu thụ nông sản, đã có gần 180 tấn nông sản và 30 tấn hải sản đã được tiêu thụ. Để giúp nhà nông bán được hàng hóa với số lượng lớn vào thời điểm thu hoạch rộ, giá bán các mặt hàng tại trung tâm tương đương với giá nông dân bán tại chổ nuôi, trồng. Chẳng hạn dưa leo, bắp đồng giá 7.000 đồng/kg, mực các loại giá từ 150-200 ngàn đồng/kg, cá biển giá 50-120 ngàn đồng/kg… Hàng nông sản nhận được sự tiếp sức của bưu điện trong khâu vận chuyển; khâu tiêu thụ được các siêu thị, đông đảo cán bộ, công chức, người lao động tại thành phố Rạch Giá tích cực ủng hộ.  Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với Siêu thị Co.opmart Rạch Sỏi và Siêu thị CIC Rạch Sỏi cung cấp các mặt hành nông, thủy sản được 10 tấn, chủ yếu là rau, củ, quả như bắp, dưa leo, khoai môn, rau cải và 1 tấn hải sản các loại. Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp gói Combo nông sản cho Tổ Công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được 2.200 túi nông sản đi tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh với số lượng 22 tấn.

Hội Nông dân các huyện, thành phố và cơ sở cũng đang nỗ lực giúp nông dân tiêu thụ nông, thủy sản bằng nhiều cách làm hiệu quả. Hội Nông dân các huyện U Minh Thượng, Giồng Riềng, Kiên Lương, Kiên Hải hỗ trợ tiêu thụ nhiều tấn nông thủy sản các loại. Hội Nông dân huyện Vĩnh Thuận vận động cũng cấp lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả cho các bếp ăn phục vụ các khu cách ly. Hội Nông dân huyện Gò Quao phối hợp các ngành, đoàn thể huyện nấu và phát nhiều suất ăn miễn phí cho các khu cách ly tại huyện.  Ngoài hỗ trợ tiêu thụ, các cấp hội còn tuyên truyền, vận động nông dân khắc phục khó khăn, bám trụ sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi để cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong tỉnh.

Trong thời gian tới, các cấp Hội xác định nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 là trọng tâm, cấp bách và thường xuyên. Thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của Bộ Y tế và các ngành trong công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị tốt nhất, sẵn sàng ứng phó cho mọi tình huống. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu “kép” đã đề ra. Thường xuyên nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất và phối hợp tốt các ngành, các cấp, doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản cho nông dân.

THÁI VĂN PHÚC-HND KIÊN GIANG