KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 - 14/10/2021)
(10:22 | 12/10/2021)

Phát huy truyền thống, xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân tỉnh Kiên Giang ngày càng vững mạnh.

Từ khi ra đời đến nay, trải qua các thời kỳ cách mạng, tổ chức của nông dân có nhiều tên gọi khác nhau: “Nông Hội đỏ”, “Hội Tương tế Ái hữu”, “Hội Nông dân phản đế”, “Hội Nông dân cứu quốc”, “Hội Liên hiệp Nông dân tập thể”. Ngày 01-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17-01-1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14-10-1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Cùng với sự ra đời và phát triển của giai cấp nông dân, tổ chức hội nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã trải qua những bước thăng trầm cùng với phong trào cách mạng trong tỉnh. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20-7-1954, để tạo thế hợp pháp trong đấu tranh về mặt công khai, Hội Nông dân Cứu Quốc tỉnh Kiên Giang giai đoạn này không còn hệ thống tổ chức, Ban Chấp hành không còn hoạt động. Đến ngày 27-12-1960, Ban Dân vận Tỉnh ủy Rạch Giá ra đời, cũng là ngày chính thức thành lập Hội Nông dân của tỉnh. Ngày 24-3-1961, sau khi Hội Nông dân giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời, tổ chức nông hội của tỉnh chính thức mang tên Hội Nông dân giải phóng tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) và phát triển 1.560 hội viên; đến năm 1965 hội viên tăng hơn 10 lần với 16.656 người và đến năm 1969, toàn tỉnh có 25.733 hội viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã có sự trưởng thành và phát triển. Từ khi thành lập đến nay, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã qua 9 kỳ Đại hội; mỗi kỳ Đại hội, tổ chức Hội các cấp trong tỉnh không ngừng được củng cố và có bước phát triển mới, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, thu hút ngày càng đông nông dân tham gia tổ chức. Hiện nay, toàn tỉnh có 140 cơ sở hội, 1.018 chi Hội, 8.186 tổ hội và 157.546 hội viên.

 

Đồng chí Bùi Thị Thơm (đứng) - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nông dân tỉnh (ngày 09-8-2019). Ảnh: ĐẶNG LINH

 

Các phong trào của hội từng bước đi vào cuộc sống và được đông đảo hội viên, nông dân nhiệt tình hưởng ứng và mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Điển hình như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của hội, đã được khẳng định, phát triển liên tục, được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng. Qua phát động của các cấp hội, có 140.229 hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi, kết quả bình xét có 75.805 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (trong đó, cấp Trung ương 204 hộ, cấp tỉnh 3.077 hộ, cấp huyện, thành phố 11.342 hộ, cấp xã, phường, thị trấn 61.178 hộ). Phong trào tiếp tục phát triển, đã xuất hiện nhiều tấm gương hội viên nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và đầu tư mô rộng sản xuất, kinh doanh; đã hình thành các mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuổi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ về vốn, vật tư, cây con giống, khoa học kỹ thuật cho hộ nông dân nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Nhiều nông dân được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam công nhận danh hiệu “Nông dân xuất sắc toàn quốc”, được Ủy ban nhân dân các cấp biểu dương, khen thưởng.

 

Đồng chí Doãn Tấn Đạt (đứng giữa) – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao giấy khen cho các tập thể sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Tân Hiệp, giai đoạn 2017-2019. Ảnh: ĐẶNG LINH

 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, các cấp hội đã tuyên truyền, vận động hội viên nông dân đăng ký thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và triển khai nhiều mô hình như: đường điện thắp sáng nông thôn; đường hoa nông thôn; hố rác gia đình; vận động nông dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn; xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường; phát động phong trào Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”…

Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh 39,64 tỷ đồng, nguồn vốn uỷ thác từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 4,5 tỷ đồng và nguồn vốn uỷ thác từ Ngân hành chính sách xã hội 1.242,8 tỷ đồng, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Song song đó, Hội đã tổ chức dạy nghề, liên kết hỗ trợ tiêu thụ nông thuỷ sản cho nông dân, tư vấn pháp luật và phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý cho nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân.

 

Đồng chí Bùi Thị Hiền (thứ 5, từ phải qua) - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang tham quan mô hình tôm - cua - lúa của nông dân xã Vân Khánh Tây (An Minh). Ảnh: ĐẶNG LINH

 

Phát huy những kết quả đạt được 91 năm qua, cán bộ, hội viên nông dân Kiên Giang tiếp tục phấn đấu đi lên, với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”; giữ vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt mục tiêu Đại hội IX đề ra: “Xây dựng Hội Nông dân các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo, khả năng liên kết, hợp tác của hội viên nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; xây dựng đội ngũ cán bộ hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của hội, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh”.

THÁI VĂN PHÚC-HND KIÊN GIANG