Lừa đảo núp bóng hỗ trợ COVID-19
(16:27 | 17/01/2022)

Theo phản ánh của nhiều người dân, thời gian gần đây, trên địa bàn một số xã thuộc huyện Hòn Đất, Tân Hiệp, Vĩnh Thuận xuất hiện thủ đoạn mới núp bóng dưới hình thức hỗ trợ dịch bệnh COVID-19. Một số người dân do không am hiểu, đã nhận tiền hỗ trợ của các đối tượng này mà không lường hết hậu quả.

PHÁT TIỀN “HỖ TRỢ”, LẤY THÔNG TIN CÁ NHÂN

Ngày 20-11-2021, ông Danh Thuyền (51 tuổi), ngụ ấp Bình Hòa, xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận) được T. K (28 tuổi), ngụ cùng ấp, giới thiệu và dẫn anh đi nhận tiền hỗ trợ do một tổ chức từ thiện. “Tôi cùng 4-5 người khác ở trong xóm mang theo giấy chứng minh nhân dân, rồi chạy xe máy theo K lên TP. Rạch Giá đến một địa điểm gần công viên Nguyễn Trung Trực. Tới đó, chúng tôi gặp 2-3 nhân viên. Họ bao chúng tôi ăn uống, chụp hình dân chung, chụp lại giấy chứng minh, hỗ trợ mỗi người 3,5 triệu đồng, rồi kêu chúng tôi về”, ông Thuyền kể. Ông Thuyền cho biết, sau khi ông nhận tiền về nhà thì ít ngày sau ông được ban lãnh đạo ấp thông báo và đề nghị không được nghe theo lời lôi kéo của các đối tượng lạ. “Dịch COVID-19, tôi không có việc làm nên rất cần tiền. Được tổ chức tự thiện hỗ trợ, tôi mừng lắm nhưng không biết đây là lừa đảo. Giờ, tôi rất hoang mang, không biết các đối tượng lấy thông tin về hình ảnh, chứng minh thư tôi để làm gì”, ông Thuyền nói.

Còn bà Võ Thị Lài (48 tuổi), ngụ ấp Bình Hòa nói: “Vợ chồng tôi vừa lên TP.Rạch Giá và được hỗ trợ 7 triệu đồng. Ban lãnh đạo ấp, Công an xã Vĩnh Bi2h Bắc xuống nắm thông tin về các thủ đoạn lừa đảo nên tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày”. Bà Lài cho biết, hàng này vợ chồng bà làm thuê, với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày.

 

Thông báo cảnh báo từ Công an xã Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận).

 

Đồng chí Lương Văn Đuổi - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Bình Hòa cho biết, qua thống kê, ấp Bình Hòa đã có 30 hộ dân thông qua T. K và 2 người khác giới thiệu để lên TP. Rạch Giá nhận tiền hỗ trợ. “Thực tế, K và 2 người khác trong ấp Bình Hòa là “cò”, dẫn người dân trong xóm lên TP. Rạch Giá và được các đối tượng hỗ trợ tiền. Sự việc này, ban lãnh đạo ấp đã báo cáo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và Công an xã Vĩnh Bình Bắc. Ban lãnh đạo ấp đã tuyên truyền người dân không nên tin theo các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng”, đồng chí Đuổi nói.

CẢNH BÁO “SẬP BẪY” NẶNG LÃI

Theo lãnh đạo Công an các huyện Tân Hiệp, Vĩnh Thuận và Hòn Đất, các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân không có việc làm, thu nhập không ổn dịnh, thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ khó khăn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên lừa đảo. Thủ đoạn chung của các đối tượng là tiếp cận người dân rồi đưa ra các thông tin sai sự thật về các khoản tiền trợ cấp như hỗ trợ dịch bệnh COVID-19, giúp người không có việc làm, người già, người cao tuổi, người dân tộc hiểu số... Chúng kêu gọi người dân mang theo giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ dịch bệnh COVID-19 với số tiền từ 3-4 triệu đồng. “Bằng thủ đoạn trên, các đối tượng đã lừa người dân lấy giấy tờ tùy thân để các đối tượng làm hợp đồng vay, mua trả góp lại các công ty tài chính 1 sản phẩm có giá trị cao, sau đó bán sản phẩm mua được để lấy liền tiêu xài và cắt liên lạc với các nạn nhân. Theo đó, kẻ gian đã biến các nạn nhân thành các “con nợ” và chiếm đoạt tiền của các công ty tài chính. Nhận định ban đầu, nhiều khả năng đây là hành vi lừa đảo của số đối tượng cho vay lãi nặng, dụ dỗ người dân “sập bẫy” vay nợ của chúng”, Công an xã Vĩnh Bình Bắc nhận định.

 

Thông báo cảnh báo của Công an huyện Hòn Đất.

 

Giữa tháng 11-2021, tại các địa bàn thị trấn Sóc Sơn, xã Lình Huỳnh, Thổ Sơn và xã Sơn Bình, các đối tượng lấy giấy tờ tùy thân của nhiều người dân rồi làm thủ tục nhận tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng gọi là “hỗ trợ”. Tuy nhiên, qua kiểm tra, xác minh từ hệ thống vay vốn của công ty tài chính FE Credit, đã có thông tin vay tiền (thể hiện số hợp đồng vay và số tiền gốc + lãi phải trả hàng tháng, trong kỳ hạn 18 tháng) của một số người dân tại xã Thổ Sơn, đến tháng 1-2022 sẽ đến thời hạn trả nợ kỳ đầu. 

Theo Thượng tá Quảng Quốc Huy - Phó trưởng Công an huyện Tân Hiệp, bằng thủ đoạn tương tự, khoảng đầu tháng 12-2021, các đối tượng tiếp cận địa bàn các xã Thạnh Đông B, Tân Hiệp B và thị trấn Tân Hiệp (Tân Hiệp). Sau khi người dân cung cấp cac loại giấy tờ tùy thân, ảnh chân dung, người dân được các đối tượng đưa số liền từ 3-4 triệu đồng. Qua kiểm tra xác minh từ hệ thống vay vốn của các công ty tài chính đã có thông tin vay tiền của người dân tại các địa bàn trên (thể hiện số hợp đồng vay, số tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng trong kỳ hạn 18 tháng đến 24 tháng, đến tháng 1-2022 số đến thời hạn trả nợ kỳ đầu). “Nhận định đây là hành vi lừa đảo của một số đối lượng cho vay lãi nặng để cài người dân sập bẫy vay nợ của chúng. Dự báo khả năng sẽ phát sinh thêm nhiều trường hợp người dân bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo khi các công ty tài chính yêu cầu trả nợ theo kỳ hạn ghi trong hợp đồng”, Thượng tá Quảng Quốc Huy cảnh báo.

Công an huyện Tân Hiệp đã thông báo đến chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn nắm, có biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người dân trên địa bàn, nêu cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Công an xã Vĩnh Binh Bắc khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia, không nghe, không tin theo lời xúi dục, dụ dỗ của các đối tượng; không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân, không ký bất kỳ giấy tờ gì có liên quan đến vay, mượn, trả góp cho các đối lượng lạ mặt…

Lê Vinh-PV Báo Kiên Giang