Kiên Lương khôi phục phát triển tiềm năng du lịch sau dịch COVID-19
(09:49 | 27/04/2022)

Huyện Kiên Lương có cảnh quan thiên nhiên được ví như “Vịnh Hạ Long phương Nam”, với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, giờ huyện đang đẩy mạnh khôi phục lại thế mạnh này.

NHƯ “VỊNH HẠ LONG”.

Huyện Kiên Lương có cảnh quan thiên nhiên có sự kết hợp khá hài hòa giữa núi đồi, biển cả, hang động và các cụm đảo ven bờ. Nếu như MoSo huyền bí, gắn với biết bao chiến tích lẫy lừng từng che chở cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì thắng cảnh Chùa Hang - Hòn Phụ Tử hiền hòa, thơ mộng. Trong khi Ba Hòn Đầm sóng biển rì rào va vào vách đá, thì Hòn Nghệ dịu êm, lung linh về đêm… Nhiều du khách từng đến và trải nghiệm du lịch ở Kiên Lương đều có chung nhận xét: “Kiên Lương giống như “Vịnh Hạ Long” của phương Nam.

Chị Phạm Thị Bích (40 tuổi, du khách ở tỉnh Tiền Giang) cùng gia đình du lịch ở các địa danh của Kiên Lương vào dịp Tết dương lịch 2022 vừa qua cho biết: “Kiên Lương có nhiều cảnh đẹp và hữu tình. Địa phương có cả đồng bằng, núi, hang động, biển và rừng rậm ven biển. Đặc biệt, Kiên Lương còn có chùa (ở xã Bình An) và tượng phật Quan Âm (ở Hòn Nghệ), giúp cho nhiều du khách đến đây có được cảm giác bình an, thanh tịnh”. Còn ông Nguyễn Anh Minh (67 tuổi, ngụ ở tỉnh Vĩnh Long) cho biết, ông là người dân sinh ra và lớn lên ở tỉnh đồng bằng, ít được đi đây đi đó. Nay được con cháu chở đi du lịch ở vùng đất có biển, núi, chùa và hang động như ở Kiên Lương nên rất thích thú. “Cảnh sắc thiên nhiên ở đây rất tươi đẹp, hữu tình. Không chỉ vậy, hải sản ở đây rất tươi ngon, bổ dưỡng”, ông Minh cho biết. Cũng theo ông Minh, ấn tượng của ông và các thành viên trong gia đình lần đầu tiên đến Kiên Lương còn là biết được lịch sử thắng cảnh MoSo, hiểu về quá trình chiến đấu đầy gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào, qua đó giáo dục con cháu về tình yêu quê hương đất nước.

 

Ảnh: Phương tiện chở du khách tham quan khu du lịch Hòn Phụ Tử.

 

Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác, năm 2021, dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Kiên Lương. Theo Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Kiên Lương, huyện 6 tháng đầu năm 2021, huyện Kiên Lương đón được hơn 63.200 lượt du khách (giảm gần 66% so cùng kỳ). Không những vậy, để đảm bảo an toàn cho du khách trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp thời điểm đó, một số địa điểm du lịch của huyện tạm ngưng hoạt động. Bà Nguyễn Thị Tam, ngụ xã Sơn Hải (Kiên Lương), cho biết: “Gần 1 năm qua, tôi hầu như không có nguồn thu từ kinh doanh nhà nghỉ. Mặc dù người dân rất thích ra xã đảo Sơn Hải du lịch, nhưng do dịch bệnh phức tạp đành gác lại”.

KHÔI PHỤC TIỀM NĂNG

 “Vừa qua, thực hiện Thông báo só 23/TB-UBND, ngày 21-01-2022, của Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương về việc mở cửa lại khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ tử, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Kiên Lương phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện hàng loạt thuê mướn xe kobe, nhân công vệ sinh hoàn toàn khu du lịch, bảng hướng dẫn đỗ xe cổng bán vé… để khôi phục du lịch từ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022”, đồng chí Hồ Văn Lực - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Kiên Lương cho biết.

Cũng theo đồng chí Lực, để thực hiện mở cửa du lịch an toàn, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Kiên Lương còn phối hợp chặt chẽ với các địa phương đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện tốt thông điệp “5K”…

Nhờ các biện pháp quyết liệt mở cửa, tháng 2-2022, du khách đến địa phương đạt 32.000 lượt (tăng 67,5% so với 2-2021), doanh thu 214 triệu đồng (tăng gần 40% so với cùng kỳ). Bà Nguyễn Thị Tam phấn khởi: “Sau khi mở cửa trở lại, nhiều du khách đến với xã đảo du lịch, nhờ vậy người dân trên địa bàn sẽ có nguồn thu nhập trở lại từ việc kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ”.

 

Ảnh: Du khách tham quan khu du lịch Hòn Phụ Tử, sau thời gian mở của du lịch trở lại.

 

Những du khách dù vừa đi du lịch ở Kiên Lương sau thời gian mới đây, nhưng vẫn khẳng định sẽ trở lại và giới thiệu bạn bè, người thân quay lại nơi đây. “Cuối tuần, hay dịp hè là thời điểm rất phù hợp để du lịch ở vùng biển đảo như Kiên Lương. Đến với biển đảo ở Kiên Lương, các con của tôi rất thích thú vì đã có những trải nghiệm khác với tỉnh Tiền Giang”, chị Phạm Thị Bích cho biết.

Vào những ngày này, du khách đến khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ tử thuộc xã Bình An; thuê phương tiện du lịch ra Ba Hòn Đầm (Sơn Hải) ngày một nhiều. Theo ghi nhận, tại khu du lịch Chùa Hang - Hòn Phụ tử, nhiều đoàn xe khách du lịch mang biển số đến từ TP. Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và cả TP. Hồ Chí Minh đổ về ngày càng nhiều. Ông Phan Văn Liêm, ngụ tỉnh Đồng Tháp cho biết, do dịch bệnh COVID-19 hiện đã dần ổn định, ông cũng đã tiêm vác xin đầy đủ nên các con ông tổ chức đi du lịch. Mặc dù vậy, ông vẫn tuân thủ các quy định về phòng dịch như đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn. “Nơi đây có phong cảnh biển đảo rất đẹp và thơ mộng. Chắc chắn chuyến đi sẽ mang lại nhiều niềm vui cho gia đình, sau thời gian dài phải ở nhà, không được đi đâu”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Kiên Lương lần thứ XIII nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Kiên Lương phấn đấu đến năm 2025, huyện thu hút 3 triệu lượt khách tham quan du lịch; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giai đoạn 2020-2025 tăng trung bình 6,32%/năm (ước đạt khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2025).

Để thực hiện đạt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trên, Ủy ban nhân dân huyện Kiên Lương tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò ngày càng quan trọng của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện quảng bá, giới thiệu thương hiệu hàng hóa, dịch vụ - du lịch của Bình An, Sơn Hải, Hòn Nghệ, Dương Hòa tạo nên thương hiệu du lịch của huyện. Tới đây, huyện Kiên Lương phối hợp tỉnh điều chỉnh hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết khu danh thắng Bãi Dương, Ba Hòn Đầm; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và thắng cảnh núi MoSo. Nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh du lịch, phát triển du lịch cộng đồng, các cơ sở nghề truyền thống, các dịch vụ bổ trợ… Ngoài ra, huyện Kiên Lương nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch biển đảo với các loại hình lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghiên cứu về hệ sinh thái biển, đảo; chú trọng công tác giữ gìn cảnh quan thiên nhiên... Từ đó khai thác tốt hơn thế mạnh của địa phương.

Lê Vinh-PV Báo Kiên Giang