Đồng hành cùng nông dân Kiên Giang sản xuất lúa - tôm bền vững hơn
(10:34 | 27/10/2022)

Sau gần 2 năm triển khai, Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” vừa được Hội Nông dân tỉnh vừa phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và triển khai giai đoạn 2. Tham gia hội nghị có 150 đại biểu đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tập đoàn Lộc Trời, Hội Nông dân các huyện, xã, hợp tác xã lúa - tôm tại các huyện vùng tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng.

SẢN XUẤT LÚA - TÔM BỀN VỮNG HƠN

Tại hội nghị, đồng chí Lâm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi mới, việc phát triển nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi giá vật tư đầu vào tăng cao, việc tiêu thụ không ổn định. Tình hình ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, dẫn đến giảm năng suất, chất lượng nông sản.

“Để kịp thời hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thống nhất chủ trương giao cho Trung tâm Hỗ trợ Nông dân và Giáo dục Nghề nghiệp tỉnh phối hợp Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thủy sản Bồ Đề thực hiện thí điểm đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, nhằm tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản”, đồng chí Lâm Quốc Toàn nói.

Theo Đề án này, nông dân được sử dụng chế phẩm sinh học Bồ Đề Mother water bổ sung vào môi trường nuôi trồng nhằm cải tạo đất ngộ độc hóa học, khử kim loại nặng, khử phèn, cân bằng độ pH, giúp vi sinh vật có lợi phát triển. Từ đó, làm tăng hàm lượng oxy trong nước, kích thích các vi sinh vật có lợi phát triển phân hủy mùn bã hữu cơ, xác thực vật, thức ăn dư thừa, làm sạch môi trường nước, tạo chuỗi thức ăn tự nhiên, giúp tôm phát triển tốt hơn...

 

Ảnh: Đồng chí Thái Văn Phúc (thứ hai, từ phải qua) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng lãnh đạo huyện An Biên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề tham quan mô hình nuôi tôm của nông dân tham gia đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” giai đoạn 1 tại xã Nam Yên (An Biên).

 

Theo phản hồi từ các hộ thực hiện thí điểm đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, khi ứng dụng bộ quy trình sinh học Bồ Đề giúp xử lý môi trường đất và bổ sung các loại khoáng chất dưới dạng hữu cơ sinh học cho tôm, giúp giảm chi phí đầu tư khoảng 30% trở lên, không sử dụng các loại hóa chất khác. Nhờ sử dụng sản phẩm sinh học nên an toàn cho môi trường ruộng nuôi, màu nước lên đẹp, các chỉ số môi trường đều đạt theo yêu cầu, hiện nay có một số hộ đã xuất bán, năng suất tăng, lợi nhuận cao ít nhất 3 lần so trước đây. Trong 90 hộ tham gia đề án chỉ duy nhất 1 hộ sử dụng nước trong ruộng nuôi chậm lên màu và bị sinh rong nhiều do không sử dụng đúng quy trình hướng dẫn.

Ông Đặng Văn Thoại, ngụ thị trấn Thứ Ba (An Biên) cho biết: “An Biên là huyện ven biển, đất sản xuất tôm - lúa nhiều nợ bị nhiễm phèn, mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân. Từ khi sản xuất theo quy trình sinh học Bồ Đề  Mother water, năng suất lúa, tôm của gia đình tôi và nhiều hộ lân cận tăng lên rõ rệt. Điều này được địa phương ghi nhận qua những lần tổ chức hội thảo đầu bờ.

Tuy nhiên, cần phải sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm mới phát huy tối đa hiệu quả sản phẩm”. 

TIẾP TỤC LAN TỎA, NHÂN RỘNG

Ngoài được nghe nông dân nuôi tôm chia sẻ kinh nghiệm, các hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình công nghệ sinh học, hội nghị còn được nghe những định hướng của tỉnh nhằm phát triển vùng nuôi tôm hiệu quả, nâng giá trị con tôm trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Trần Thanh Dũng - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, cho biết: “Với sản lượng lương thực khoảng 4,4 triệu tấn/năm, Kiên Giang là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện tỉnh có 518 hợp tác xã đang hoạt động với 64.020ha đất canh tác, trong đó có 92 hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản, 5.000ha sản xuất lúa đạt chuẩn và được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, SRP và hữu cơ. Đây chính là yếu tố rất thuận lợi cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp Hội Nông dân tỉnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề triển khai đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” giai đoạn tiếp theo”. Để đề án này thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn 2, theo đồng chí Trần Thanh Dũng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề cần cử thêm kỹ sư có mặt thường xuyên tại các vùng thực hiện đề án kịp thời giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong nuôi trồng cho nông dân.

 

Ảnh: Ông Lê Thanh Hùng, ngụ phường Bình San (TP. Hà Tiên) đề nghị sớm triển khai đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”.

 

Tháng 3-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận về chủ trương để Hội Nông dân tỉnh thực hiện thí điểm đề án "Chuyên nghiệp hóa người nông dân Kiên Giang" với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 1, Tập đoàn hỗ trợ sản phẩm Bồ đề - Mother Water cho 90 hộ dân, đồng thời tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 1.500 nông dân với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng tại 5 huyện vùng U Minh Thượng và huyện Kiên Lương. Giai đoạn 2, đề án sẽ được triển khai tại các huyện vùng tứ giác Long Xuyên và huyện Gò Quao, dự kiến sẽ có 1.500 nông dân được chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Ngoài ra, trong chương trình chuyên nghiệp hóa người nông dân, công ty còn bán trợ giá giảm 75% giá niêm yết trên sản phẩm.

Trả lời cặn kẽ từng thắc mắc của hội viên, nông dân đặt ra tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề cho biết: “Giai đoạn 2, Tập đoàn sẽ cho giải ngân kinh phí, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các huyện còn lại như Kiên Lương, TP. Hà Tiên, Giang Thành, Hòn Đất, Gò Quao. Ngoài những địa phương này, để lan tỏa, nhân rộng hơn nữa đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”, bà con nào có nhu cầu hỗ trợ, tư vấn khoa học - kỹ thuật nuôi tôm có thể liên hệ với cán bộ Hội Nông dân cấp xã, huyện để nhận được một cách nhanh nhất”.

Kim Loan-Trung tâm HTND & GDNN