ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GẶP GỠ, ĐỐI THOẠI VỚI NÔNG DÂN KIÊN GIANG
(10:53 | 27/10/2022)

Thực hiện Công văn số 4817/VPCP-QHĐP, ngày 01/8/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chiều ngày 26/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại với hội viên, nông dân trong toàn tỉnh là sự kiện quan trọng được tổ chức trong bối tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh bước vào giai đoạn phục hồi, trong đó có phục hồi sản xuất nông nghiệp; là dịp để đại diện nông dân trực tiếp gặp gỡ, trao đổi phản ánh tâm tư, nguyện vọng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành về những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tham dự Chương trình điểm cầu chính tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có Đ/c Giang Văn Phục - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Đ/c Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang; Đ/c Đỗ Kim Thâu - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đ/c Đỗ Trần Thịnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành, hội, liên hiệp các hội, liên minh các hợp tác xã… cùng đại diện phòng, ban của Hội Nông dân tỉnh; phía Sở Khoa học và Công nghệ có TS. Nguyễn Xuân Niệm (Phó Giám đốc Sở) tham dự và trả lời câu hỏi. Tại các điểm cầu cấp huyện/thành phố có lãnh đạo Hội Nông dân các huyện/thành và trên 200 nông dân, đại diện cho 150.000 nông dân, tại 16 điểm cầu chính và điểm cầu cấp huyện/thành trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Đ/c Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang với nông dân là sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền với bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, qua đó tạo điều kiện để nông dân Kiên Giang bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất kiến nghị liên quan đến chủ trương, chính sách của tỉnh về công tác chăm lo, phát triển nông dân hiện nay và trong giai đoạn tới.

Với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tại buổi gặp gỡ, đối thoại, nông dân các huyện/thành đã đặt ra 16 câu hỏi tới lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành về nhiều vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xã hội quan tâm và mong muốn được giải đáp. Trong đó, các câu hỏi tập trung vào các nhóm vấn đề như: Chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19; về ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp; các vấn đề về hỗ trợ an sinh xã hội cho nông dân; những giải pháp nhằm thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu kinh tế; dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh; phát triển chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng; vấn đề về chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nông sản; về bất cập chưa đồng bộ giữa chứng minh nhân dân và căn cước công dân của nông dân;...

 

Ảnh: Đại biểu tham quan các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

 

Đặc biệt, Hội nghị đối thoại lần này, Hội Nông dân tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trưng bày các sản phẩm đạt chuẩn OCOP (One Commune, One Product - Mỗi xã một sản phẩm). Đến tháng 8/2022 Kiên Giang có 108 sản phẩm được đạt chuẩn OCOP. Hiện đang đánh giá, so sánh tiêu chí để công nhận tiếp cho trên 40 sản phẩm nữa.

Các câu hỏi của các nông dân (16 câu hỏi của 10 địa phương) cơ bản đã được lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời trực tiếp ngay tại buổi gặp gỡ, đối thoại, cơ bản đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

 

Ảnh: Đ/c Lê Quốc Anh (đứng) - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận Hội nghị.

 

Cũng tại Chương trình đối thoại, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đã trả lời trực tiếp câu hỏi của đại diện nông dân huyện Kiên Hải - Bà Trần Thị Hội (Hợp tác xã Nông dân Thanh Hoa, xã Nam Du, huyện Kiên Hải, ĐT 0358590629) hỏi: Hiện nay nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã đang phát triển; tuy nhiên phần lớn nuôi theo hình thức truyền thống (bè, lồng), từ đó chưa phát huy hết tiềm năng nuôi thủy sản đang có. Từ đó kiến nghị tỉnh có một vài mô hình nuôi cá theo công nghệ mới (Công nghệ Na-uy) để hỗ trợ người dân nuôi thử nghiệm, từng bước hiện đại hoá nghề nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã Nam Du. Tham dự Tọa đàm, TS. Nguyễn Xuân Niệm, đã có câu trả lời xung quanh nội dung câu hỏi trên như sau: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 3214/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 và Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 17/6/2021 về triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Theo quy hoạch thì đến 2030 có nuôi cá lồng bè công nghệ cao (bao gồm công nghệ Na-Uy) 700 lồng. Thực trạng thời gian qua: Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã duyệt triển khai 10 lồng công nghệ Na-Uy nuôi thử nghiệm cá chim vây vàng tại Gành Dầu (Phú Quốc) trong dự án chương trình dự án nông thôn miền núi. Sở Nông nghiệp & PTNT đã duyệt thử nghiệm 06 lồng công nghệ Na-Uy ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương và Kiên Hải - nơi chị Hội sinh sống. Theo kế hoạch, năm 2023 Sở Nông nghiệp & PTNT tiếp tục duyệt trình diễn 06 lồng công nghệ Na-Uy ở Phú Quốc và Kiên Hải, mỗi địa phương 03 lồng. Sở Khoa học và Công nghệ cũng sẽ nhân rộng từ kết quả thử nghiệm của dự án Bộ KH&CN ở Phú Quốc. Bước đầu rút ra các ưu điểm sau: (i) Lồng công nghệ Na-Uy có thể chịu sức gió bão cấp 12 nên nông dân không lo gãy đổ lồng. (ii) Nuôi cá lồng công nghệ Na-Uy ở biển xa nên không có sự xung đột giữa các hộ nuôi và không có sự ảnh hưởng di chuyển qua lại của tàu bè đến lồng cá. (iii) Lưới nuôi là loại đặc biệt nên ít bị nhiễm bẩn do rong rêu bám nên an toàn vệ sinh thực phẩm, ít tốn công vệ sinh lưới (vệ sinh lưới hay thay trên 2 tháng/lần). (iv) Chăm sóc cá dễ dàng, thuận tiện hơn. (v) Ít hao tốn thức ăn, lượng thức ăn khi cho 3-5% trọng lượng cá, cho ăn chỉ 2 lần/ngày. (vi) Nuôi với mật độ cao, size cá đồng đều nên đáp ứng cho thương buôn mua với số lượng lớn khi xuất khẩu. (vii) Thời gian sử dụng lồng 15-20 năm. Hạn chế chỉ có 01 mà thôi: Đầu tư ban đầu cao, 200 triệu cho lồng ương cá giống; trên 500 triệu cho lồng nuôi thương phẩm. Vì vậy, muốn phát triển nuôi cá bằng lồng công nghệ Na-Uy cần sự chung tay hỗ trợ của các sở, ban, ngành đặc biệt là sự chỉ đạo của UBND tỉnh đối ngành ngân hàng cho vay với chính sách ưu đãi. Một điểm nữa: Trong phát biểu của Đ/c Lê Quốc Anh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Có Công ty của Mỹ hứa chuyển giao công nghệ nuôi cá lồng bè và thu mua thủy sản xuất khẩu. TS.Nguyễn Xuân Niệm nói: Đây là tin rất hay nhưng TS.Niệm đề nghị Phó Chủ tịch Lê Quốc Anh làm việc với Công ty Mỹ này chuyển giao luôn công nghệ làm lồng Na-Uy để chúng ta chủ động sản xuất lồng để nuôi, chứ mua lồng thì giá rất cao.

 

Ảnh: Tặng quà lưu niệm cho 20 nông dân tiêu biểu đến dự hội nghị.

 

Kết thúc Hội nghị, Đ/c Lê Quốc Anh khẳng định Hội nghị đã thành công tốt đẹp, gặt hái được những kết quả thiết thực, có nhiều vấn đề mới, nội dung mới phát sinh từ thực tiễn triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhất là quá trình phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh, trọng tâm khôi phục sản xuất và phục hồi sản xuất nông nghiệp sau hơn 2 năm chúng ta chung tay, nổ lực, cố gắng, tích cực thực hiện các giải pháp đẩy lùi, kiểm soát được dịch Covid-19.

Đ/c Lê Quốc Anh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa hoạt động hỗ trợ nông dân học tập, sáng tạo, sáng kiến kinh nghiệm; thực hiện phát huy Quỹ hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; đẩy mạnh hợp tác trong nông dân. Đ/c Lê Quốc Anh chỉ đạo: Sau cuộc đối thoại này, đề nghị Hội Nông dân tỉnh tổng hợp ý kiến câu hỏi và trả lời, cùng các vấn đề khác liên quan để xây dựng thành các đề xuất, kiến nghị cụ thể có hệ thống đệ trình Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tặng 20 phần quà lưu niệm cho nông dân tiêu biểu đến dự hội nghị.

TS.Nguyễn Xuân Niệm-PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang