Hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất
(10:48 | 03/11/2022)

Giá phân bón, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao thời gian qua gây nhiều khó khăn cho người sản xuất. Trước tình hình này, Hội Nông dân tỉnh đã và đang triển khai giải pháp giúp hội viên, nông dân giảm chi phí sản xuất.

TĂNG LỢI NHUẬN

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá phân bón các loại tăng liên tục và giữ mức cao kỷ lục so những năm trước. Cụ thể, đạm Cà Mau hiện có giá 1 triệu đồng/bao 50kg, tăng 200 ngàn đồng/bao so vụ hè thu năm ngoái; phân kali 1,02 triệu đồng/bao, tăng 360 ngàn đồng/bao; phân DAP 1,4 triệu đồng/bao, tăng 420 ngàn đồng/bao.

Giá phân bón tăng cao khiến hầu hết nông dân gặp khó khăn trong sản xuất. Nhưng với bà Trần Thị Hiếu, ngụ ấp Phước Thạnh, xã Mỹ Phước (Hòn Đất) thì vụ hè thu 2022 này chi phí canh tác lúa lại giảm so những vụ trước. Bà Hiếu cho biết: “Chi phí giảm là nhờ tôi giảm lượng giống gieo sạ từ 200kg/ha còn 120kg/ha. Lúa sạ thưa nên cây khoẻ, ít sâu bênh, phân bón cho lúa cũng giảm theo, đặc biệt là giảm được 60kg/ha phân đạm”. Với 2,7ha ruộng, bà Hiếu vừa bán lúa giống với giá 6.200 đồng/kg, thu về 126 triệu đồng, trừ chi phí, bà thu lãi 56 triệu đồng.

Ngoài bà Hiếu, còn có 11 hộ trong ấp Phước Thạnh cũng giảm chi phí sản xuất bình quân 2,3 triệu đồng/ha, mức lợi nhuận tăng 4 triệu đồng/ha nhờ giảm 3 khoản chi về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng chí Phan Kim Loan - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Vụ hè thu 2022, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh chọn 12 hộ tại ấp Phước Thạnh triển khai mô hình trồng lúa chất lượng cao thí điểm với 12ha. Nông dân được tập huấn sản xuất theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, đồng thời, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý. Nhờ vậy, các hộ tham gia mô hình giảm được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng nitrat trong hạt gạo, góp phần tạo ra hạt gạo sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”.

 

Ảnh: Đồng chí Lâm Quốc Toàn (thứ bảy, từ trái qua) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng hội viên, nông dân ấp Phước Thạnh tại hội nghị tổng kết mô hình khuyến nông gắn với thành lập Chi hội Nông dân trồng lúa chất lượng cao ấp Phước Thạnh.

 

Nhiều năm qua, bà Đinh Thị Hiện, ngụ ấp Phước Thạnh luôn sạ dày, sử dụng khoảng 200kg giống/ha. Khi cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sạ thưa chỉ 120kg/ha khiến bà không khỏi lo lắng. Đến khi thu hoạch và mang tiền về nhà, bà Hiện mới an tâm vì lợi nhuận cao hơn trước 4 triệu đồng/ha. Bà Hiện nói: “Làm theo quy trình canh tác mới, tôi và bà con được hỗ trợ 50% lượng giống, 50% vật tư tương đương 3,5 triệu đồng/ha. Được hỗ trợ giữa lúc giá phân bón tăng cao đã phần nào giúp nông dân bớt khó khăn”.

SẢN XUẤT BỀN VỮNG HƠN

Đồng chí Lâm Quốc Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, hiện nay, ngay cả thị trường được đánh giá “dễ tính” cũng yêu cầu nông sản nhập khẩu phải thực hiện truy xuất nguồn gốc với tiêu chuẩn về chất lượng cũng ngày càng cao hơn. Theo đó, nông sản Việt Nam muốn cạnh tranh tốt khi tham gia thị trường thế giới phải đáp ứng hàng loạt các yêu cầu, tiêu chuẩn mới như: Thực hiện truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình đạt chuẩn xuất khẩu, vào chuỗi liên kết… Điều này đòi hỏi người nông dân phải thay đổi để thích ứng, từ đó thu lợi nhuận cao hơn từ đồng ruộng.

 

Ảnh: Đồng chí Lâm Quốc Toàn (đứng) - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội nghị tổng kết mô hình khuyến nông gắn với thành lập Chi hội Nông dân trồng lúa chất lượng cao ấp Phước Thạnh.

 

Ông Nguyễn Văn Giáp, ngụ ấp Phước Tân, xã Mỹ Phước nói: “Nông dân có thể thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu để làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhưng cái nông dân lo lắng nhất hiện là khâu tiêu thụ chưa có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Nông dân còn bán nhỏ lẻ cho thương lái”.

Về vấn đề này, đồng chí Dương Huy Bình - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòn đất thông tin: “Nông dân trong huyện có thể yên tâm vì huyện vừa thống nhất với Tập đoàn Lộc Trời triển khai sản xuất và tiêu thụ 15.000ha lúa. Điểm mới trong phương thức liên kết lần này lúa sẽ được cân và trả tiền tại ruộng. Mong rằng những hộ tham gia mô hình tiếp tục áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tích cực tuyên truyền để những hộ khác làm theo, từng bước hình thành vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn, làm tiền đề thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, đủ điều kiện  liên kết với doanh nghiệp”.

Đặng Linh-Báo Kiên Giang