PHÒNG BỆNH GIA SÚC - GIA CẦM MÙA LẠNH
(09:18 | 18/01/2023)

Thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa nền nhiệt độ thấp, dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm tương đối khác biệt, độ lạnh không khí giảm, trời hành khô khiến sức khỏe đàn vật nuôi suy giảm, đây là lúc người chăn nuôi quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe đàn gia súc, gia cầm và cảnh giác cao với dịch bệnh.

Càng gần đến Tết, thời tiết đang lạnh dần lên đây cũng là nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2022 là rất cao. Nguyên nhân do tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi tăng, trong đó chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh còn hạn chế ở nhiều nơi. Công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi tại một số hộ dân chưa được triển khai đầy đủ, tỷ lệ tiêm phòng thấp. Thời tiết chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán diện rộng và gây ra dịch bệnh nhất là Cúm, tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng...

Tại xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, ngành chức năng, chính quyền địa phương, tổ Kinh tế kỹ thuật tăng cường tuyên truyền quy trình phòng, trị bệnh trên đàn vật nuôi đến người dân từ sớm, góp phần giúp bà con chủ động bảo vệ đàn vật nuôi.

Để chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn heo của mình, ông Hồ Văn Út, ở xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, rất chú trọng khâu tiêm phòng, nhất là dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli, Tai xanh và bệnh lở mồm long móng: “Tôi cho rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mùa lạnh này, đàn heo dễ bị bệnh ghép. Ba bệnh đỏ và E.coli thì phải tiêm phòng đúng quy trình chứ heo mà nhiễm bệnh rồi là dễ chết lắm. Chi phí vắc-xin tiêm phòng không nhiều nhưng nó giúp bảo vệ đàn vật nuôi rất hiệu quả”, ông Út chia sẻ.Vừa qua, địa phương đã chỉ đạo tổ Kinh tế kỹ thuật, ban lãnh đạo ấp triển khai rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi gia súc- gia cầm trên địa bàn theo tinh thần công văn số 688/UBND-NNPTNT của Phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn huyện Giồng Riềng ngày 10/10/2022 và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc - gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh báo ngay cho chính quyền địa phương để có hướng dẫn xử lí kịp thời.

Trong năm 2022, địa phương đã triển khai 04 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi với hóa chất Benkocid được Tổ kinh tế kỹ thuật nhận về và cấp phát miễn phí. Tăng cường tuyên truyền, vận động áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng tại khu vực chăn nuôi, xử lý chất thải đúng quy. Bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất, men tiêu hóa kết hợp tiêm phòng bệnh đúng và đầy đủ quy trình để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Trong chăn nuôi, dịch bệnh dễ phát sinh lúc thời tiết thay đổi thường xuyên. Khi đó, đề kháng trong cơ thể vật nuôi yếu, giảm khả năng thích nghi với thay đổi của môi trường bên ngoài. Sau đợt thiệt hại do dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi rất thận trọng phòng bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, heo tai xanh… Tập quán chăn nuôi dần hình thành theo hướng giảm nhỏ lẻ sang quy mô lớn, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn thì người chăn nuôi cần chủ động sớm biện pháp bảo vệ gia súc - gia cầm trong mùa lạnh. Chuồng nuôi cần được tu sửa, che chắn kín gió. Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi, uống đủ nước sạch không để xảy ra ổ dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong thời gian tới, đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên Đán.

Cẩm Tú-Tổ KTKT Ngọc Hòa (GR)