Nông dân Kiên Giang và bí quyết làm giàu từ ruộng
(14:16 | 21/02/2023)

Bí quyết thành công của những nông dân triệu phú ở Kiên Giang đó là ngoài kỹ thuật trồng trọt, luôn cập nhật những kiến thức mới còn có sự am hiểu nhu cầu thị trường, tìm hướng liên kết trong sản xuất để cách hạ giá thành sản phẩm, từ đó làm giàu hơn trên chính đồng đất quê nhà.

TỶ PHÚ KHOAI LANG

“Đã qua rồi cái thời làm ăn theo kiểu “hên xui” hoặc hoàn toàn bị lệ thuộc vào thời tiết, nông dân bây giờ trồng cây gì, trồng vào thời điểm nào có giá đều phải áp dụng khoa học, kỹ thuật, nghe ngóng thị trường mới hy vọng được mùa, được giá”, anh Nguyễn Văn Cường - một tỷ phú chuyên canh khoai lang ở ấp Mỹ Thái, xã Mỹ Thái (Hòn Đất) chia sẻ bí quyết làm giàu của mình.

50 tuổi, nhưng anh Cường đã có đến 35 tuổi nghề trồng khoai lang. Từ 2ha đất ban đầu (năm 1996) được cha mẹ cho làm kế sinh nhai, giờ đây, anh Cường đã sở hữu 35ha đất ruộng, cùng máy móc, nhà kho trị giá hàng tỷ đồng. Với anh Cường, đây là nghề “cha truyền con nối”, nhưng hiện nay, cách làm của anh Cường đã thay đổi nhiều so trước.

Trước khi xuống giống anh Cường luôn có sự tính toán kỹ lưỡng. Đầu vụ, anh Cường lân la dò hỏi mùa này, chỗ này trồng cây gì, chỗ kia xuống giống loại nào, tổng diện tích trồng bao nhiêu... Đồng thời, tận dụng mối quan hệ từ các thương lái, anh Cường còn nắm thông tin lịch thời vụ của các vùng trong cả nước và các nước lân cận để làm khác họ. Hễ thấy vụ nào người ta trồng khoai nhiều thì anh Cường chuyển sang trồng lúa, rau màu, dưa hấu, khoai môn, kiệu... và ngược lại, vừa thay đổi giống cây trồng để tránh dịch bệnh, vừa tránh rớt giá.

Theo anh Cường, cây khoai lang thuận 4 mùa, nhưng dễ bị sâu bệnh. Phải thường xuyên kiểm tra, thăm ruộng, nếu không phát hiện sớm, bệnh sẽ lây từ ruộng khoai này ra ruộng khoai khác. Trong khi đa số người nông dân trong vùng thường trồng khoai vào những tháng nắng (từ tháng 1 đến khoảng tháng 4, 5 thu hoạch) thì anh Cường lại trồng vào những tháng mưa từ tháng 5 đến tháng 10 vì có đê bao vững chắc. Lợi thế của anh Cường là anh canh tác trên diện tích lớn, có các trang thiết bị, máy móc đầy đủ đã tiết kiệm được thời gian và chi phí. Bình quân mỗi năm, anh Cường lãi 3 tỷ đồng từ 52ha khoai lang.

Nhận thấy thị trường gạo xuất khẩu có nhiều thuận lợi nên vụ lúa đông xuân 2022 - 2023 này, anh Cường liên kết với Tập đoàn Lộc Trởi canh tác lúa sạch trên tổng diện tích 52ha đất nhà. “Doanh nghiệp cho hay giá lúa DS 1 hiện đang ở mức cao kỷ lục 8.700 đồng/kg, ST 24, ST 25 cũng tăng lên mức trên 7.000 đồng/kg nên tôi và bà con rất phấn khởi”, anh Cường cho biết.

 

Ảnh: Anh Nguyễn Văn Cường bên ruộng khoai lang của gia đình.

 

Theo Hội Nông dân xã Mỹ Thái, ngoài làm kinh tế giỏi, anh Cường còn giúp đỡ 7 hộ gia đình khó khăn tại địa phương bằng cách cho mượn vốn hàng chục triệu đồng không tính lãi để sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội, như làm đường, xây cầu, tặng quà cho người nghèo...

GIÀU NHỜ BÁM RUỘNG

Hỏi anh Danh Oanh Na (53 tuổi), ở ấp Trần Tác Chiến, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) về bí quyết làm giàu từ ruộng, anh chia sẻ: “Làm ruộng phải siêng năng, tuân thủ lịch thời vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như làm đất theo quy trình, sạ hàng, sạ thưa. Mùa nào giống đó, bệnh gì thuốc nấy. Muốn lời nhiều thì phải làm ăn tập thể để giảm chi phí. Chỉ có vậy thôi!”. “Chỉ có vậy thôi!”, nhưng không phải ai cũng làm được. “Chỉ có vậy thôi!” mà mỗi năm, anh Danh Oanh Na thu về hàng tỷ đồng, trừ chi phí còn lời trên 500 triệu đồng từ 120 công ruộng. Cộng với đó, anh còn có 1 máy xới, 1 máy gặt đập liên hợp, sẵn sàng phục vụ cho bà con với giá rẻ hơn thị trường cũng giúp anh có thêm vài chục triệu đồng.

 

Ảnh: Anh Danh Oanh Na thu hoạch lúa.

 

Khởi nghiệp được cha mẹ cho 5 công ruộng toàn năng, lác, sau 22 năm cần cù lao động và chi tiêu tiết kiệm, vợ chồng anh Danh Oanh Na đã mua thêm 115 công ruộng và máy móc phục vụ sản xuất. Không chỉ vậy, anh Danh Oanh Na còn là nông dân dân tộc Khmer điển hình trong các phong trào ở địa phương. Trong canh tác, anh chọn giống lúa chất lượng cao phù hợp nhu cầu thị trường và vận động bà con cùng làm. Bà con trong ấp đến giờ vẫn còn nhắc chuyện cách nay hơi chục năm về việc anh Danh Oanh Na không ngân ngại khi quyết định bán 150 giạ lúa để lấy 12 triệu đồng, rồi vận động bà con trong ấp góp công cùng làm chiếc cầu trụ sắt nối hai ấp Tà Yểm và Trần Tác Chiến vì thấy con em trong xã đi học qua phà nguy hiểm. Chưa hết, khi xã có chủ trương làm đường giao thông nông thôn qua ấp, anh gương mẫu đốn hơn 1.000 cây bạch đàn của gia đình để công trình sớm được thi công.

Mặc dù đã có của ăn, của để, nhưng anh Danh Oanh Na vẫn quyết gắn bó với ruộng đồng, lúc rảnh rỗi vẫn giăng câu, thả lưới bởi anh quan niệm: “Ngồi không ăn núi còn lở. Mình ở nông thôn, chỉ có bám ruộng mới mong làm giàu”.

An Lâm-Báo Kiên Giang