GIỒNG RIỀNG: Mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ lươn
(14:46 | 14/03/2023)

Hội Nông dân tỉnh vừa phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, Hội Nông dân huyện Giồng Riềng tổ chức buổi làm việc với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Hưng Farm về việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lươn sạch thương phẩm cho nông dân trên địa bàn huyện.

Lươn là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, đang được nông dân Giồng Riềng nuôi nhiều với số lượng khoảng 1.800 bồn. Hiện lươn thịt loại nhất (loại 200gram/con trở lên) có giá bán dao động từ 110-120 ngàn đồng/kg, lươn nhì (loại 120gram-190gram/con) giá 85 ngàn đồng/kg. Đồng chí Huỳnh Thị Kiều - Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng cho biết, hiện lươn thương phẩm được nông dân nuôi nhiều tại các xã Hòa An, Ngọc Chúc, Long Thạnh, Bàn Thạch… Tuy nhiên, mô hình chưa thực sự bền vững vì giá bán bấp bênh, một số hộ nuôi lươn bị dịch bệnh giai đoạn sắp thu hoạch.

Tại buổi làm việc, đại diện một số xã đề nghị huyện tạo điều kiện để nông dân liên kết với doanh nghiệp cung ứng thức ăn với giá ưu đãi, đồng thời chuyển giao quy trình nuôi lươn theo hướng an toàn gắn với bao tiêu sản phẩm để nông dân mạnh dạn đầu tư.

Theo ông Trần Hữu Nghị - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Hưng Farm, lươn là mặt hàng được tiêu thụ mạnh tại các chợ, siêu thị và thị trường xuất khẩu. Tùy theo định hướng sản xuất của địa phương công ty sẽ tư vấn các hộ nuôi lươn nâng cấp từng bước phù hợp. “Địa phương nên bắt đầu từ mô hình nuôi lươn theo hướng VietGAP. Một sản phẩm được công nhận ngon trước hết phải là sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất cần thống nhất, đồng bộ, chất lượng ổn định thì mới xây dựng thành sản phẩm OCOP”, ông Trần Hữu Nghị nói.

 

Ảnh: Ông Trần Hữu Nghị (bìa phải) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông nghiệp An Hưng Farm tham quan mô hình nuôi lươn sinh sản kết hợp lươn thịt của Tổ hợp tác nuôi lươn ấp Võ Thành Nguyên, xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng).

 

Cho rằng chi phí con giống chiếm 40% giá thành sản xuất, ông Trần Hữu Nghị đề nghị địa phương nên chủ động được con giống tại địa phương; tập hợp các hộ nuôi lươn vào tổ hợp tác trước để chia nhỏ công đoạn sản xuất nhằm chủ động tại chỗ về con giống, nguồn cung ứng thức ăn với chi phí thấp nhất. Liên kết với nông dân, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật theo sát tiến trình nuôi của nông dân nhằm có phương án hỗ trợ, điều trị kịp thời đối với các tình huống phát sinh gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của lươn thương phẩm, để người dân an tâm sản xuất.

Đồng chí Huỳnh Văn Thái Quỳnh - Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Chủ trương của huyện sẽ dành kinh phí hỗ trợ các xã đầu tư phát triển mô hình nuôi lươn thành sản phẩm VietGAP, tiến tới phát triển các sản phẩm gia tăng giá trị từ lươn thành sản phẩm OCOP. Đề nghị các xã rà soát lại nhu cầu hộ nuôi lươn tại địa phương, tùy theo điều kiện thực tế chọn phương thức liên kết với doanh nghiệp phù hợp nhất, mục tiêu cuối cùng là giúp người dân tăng thu nhập, sản xuất bền vững”.

BOX: Tại Công văn số 826-CV/HNDT, ngày 8-2-2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh thống nhất chủ trương phối hợp Công ty Cổ phần Nông Nghiệp An Hưng Farm nhằm kết nối doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp chất lượng cao thông qua các hoạt động như: Tập huấn chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sử dụng các sản phẩm trong sản xuất; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối và tiêu thụ nông sản hàng hoá theo chuỗi giá trị, theo hướng bền vững, phù hợp từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng.

An Lâm-Báo Kiên Giang