Thoát nghèo, làm giàu nhờ nghề làm mắm
(16:47 | 17/03/2023)

Qua cầu KH6 gần chợ xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) rồi rẽ phải vào ấp Đường Lác chừng 300m, sẽ thấy bảng hiệu Cơ sở mắm Tám Dô được đặt trước căn nhà tường khang trang. Đó là cơ ngơi của gia đình anh Trương Văn Dô (Tám Dô), hộ nghèo vươn lên khá giả nhờ nghề làm mắm truyền thống.

Ra riêng, vợ chồng anh Tám Dô được cha mẹ cắt cho 2 công đất ruộng làm kế sinh nhai. Đất lung bàu lúa chẳng đủ ăn nên vợ chồng anh phải đi nhổ cỏ, dặm lúa mướn mới tạm đủ sống. “Năm đó đứa con trai lớn 3 tuổi thì đổ bệnh, trong nhà không còn tiền, tôi mới giở 3kg mắm sặc ra chợ bán lấy tiền mua thuốc cho con. Không ngờ đó lại là lần khởi nghiệp của vợ chồng tôi để hôm nay thoát cảnh nghèo khó”, chị Lê Thị Hết, vợ anh Tám Dô kể. 3kg mắm vừa đem ra đã có người đến mua. Hôm sau chị Hết giở tiếp 10kg mắm còn lại mang ra chợ và tiếp tục bán hết chỉ trong buổi sáng. Những năm sau đó, năm nào chị Hết và chồng cũng giăng lưới, cắm câu làm mắm bán kiếm thêm thu nhập. Số lượng mắm cá gia đình chị làm mỗi năm ngày một tăng, từ 1 khạp ban đầu, dần dà tăng lên 20, rồi 50 khạp. Làm ăn nở nồi, 3 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh Tám Dô đều ủ 150 kiệu mắm cá đồng đủ loại như mắm lóc, mắm sặc, mắm cá linh... tương đương 25 tấn mắm nhưng vẫn không đủ bán. Để mua được cá nguyên liệu giá rẻ, vợ chồng anh Tám Dô tranh thủ thu mua cá người dân đánh bắt được vào mùa nước nổi. Vào vụ, mỗi ngày cơ sở của anh Dô tạo việc làm cho 20 lao động trong ấp, công lao động cắt dầu, mổ bụng cá 3.000 đồng/kg. Còn việc đánh vảy cá đã được anh “giao” cho chiếc máy đánh vảy vừa được sắm về trị giá 10 triệu đồng.

 

Ảnh: Đoàn công tác lãnh đạo huyện Giồng Riềng tham quan Cơ sở sản xuất mắm của vợ chồng anh Trương Văn Dô và chị Lê Thị Hết.

 

Theo anh Tám Dô, để mắm ngon, cá nguyên liệu phải là cá tươi thì thịt mắm mới dai, ngon và giữ được mùi thơm đặc trưng của cá đồng. Đặc biệt, các công đoạn làm mắm phải tuân thủ về thời gian, cá được muối, chao và ủ sau 6 tháng mới đạt độ thơm ngon của mắm. Tiếng lành đồn xa, hơn chục năm qua, khách hàng của Cơ sở mắm Tám Dô ngày càng đông, không chỉ có người dân trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh mà cả Việt kiều về cũng tìm đến. Ngoài các loại mắm quen thuộc như mắm cá lóc, cá rô, cá sặc, cá chốt, cá linh, vợ chồng anh Tám Dô vừa cho ra lò món mắm lóc thái sợi, mắm cá rô rút xương và mắm tép trộn đu đủ. Vật giá leo thang, nhưng giá bán mắm tại cơ sở của vợ chồng Tám Dô vẫn duy trì ở mức 120-200 ngàn đồng/kg tùy loại. Trừ chi phí, vợ chồng anh thu lãi hơn 600 triệu đồng/năm. Để giữ được số lượng sản xuất 25 tấn mắm/năm, mùa nước nổi năm nay, vợ chồng anh thu mua 50 tấn cá đồng nguyên liệu các loại.

 

Ảnh: Chị Lê Thị Hết bên kệ trưng bày mắm tại gia đình.

 

Cầm trên tay keo mắm lóc có thương hiệu Tám Dô, chị Hết nói: “7 năm trước, nhiều người ăn mắm góp ý keo đựng mắm phải dán nhãn có địa chỉ, số điện thoại để dễ nhận diện. Khách hàng ở xa dù quen hay lạ nhờ vậy cũng lần tìm được đến tận nhà, khi mua làm quà cũng thấy lịch sự hơn”. Trong căn nhà tường khang trang trị giá hơn nửa tỷ đồng vừa được xây dựng, vợ chồng anh Tám Dô đang tất bật các công đoạn muối, ủ cá vào kiệu. Mắm cá Tám Dô không quá ngọt như một số nơi sản xuất mà có độ mặn vừa phải, lẫn chút vị ngọt thơm tự nhiên từ thịt cá. Khi chế biến thành các món ăn không cần nêm gia vị quá nhiều mà món ăn vẫn đặc sắc ít nơi nào sánh được.

Chiếm giữ thị phần nhất định tại thị trường Kiên Giang, mắm Tám Dô ngày càng được nhiều người biết đến nhờ được người dân Giồng Riềng chọn làm quà tặng không thể thiếu mỗi khi có dịp đi công tác xa hay tham gia các sự kiện hội chợ, chương trình quảng bá đặc sản địa phương… Mới đây, mắm cá lóc Tám Dô là một trong hai sản phẩm của huyện được tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đông Hưng-PV Báo Kiên Giang