Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất các mô hình kinh tế tập thể.
(14:36 | 24/04/2023)

Thời gian qua, nguồn vốn ủy thác Ngân hành chính sách xã hội (CSXH), là một trong những động lực hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân huyện An Minh phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Năm 2011, Hội Nông dân huyện An Minh quản lý vốn ủy thác Ngân hàng CSXH là 37 tổ tiết kiệm và vay (TK&VV), dư nợ 5 tỷ 22 triệu, 554 hộ vay, nợ quá hạn 116,76 triệu, tỷ lệ 2%. Đến 31/01/2023, nguồn vốn ủy thác tăng trưởng trên 70 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH qua Hội Nông dân là 76 tỷ 275 triệu đồng cho 2.982 hộ vay trong 61 tổ TK&VV thuộc 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn, nợ quá hạn 291 triệu, tỷ lệ 0.38%. Với mức phí ưu đãi của Chính phủ, nhiều hộ đã tiếp cận được nguồn vốn đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo thành hộ có thu nhập khá như: hộ ông Nguyễn Văn Thế, ấp 9 Xáng, xã Đông Hòa thực hiện mô hình trồng màu; hộ bà Nguyễn Thị Liễu, ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông với mô hình nuôi tôm - cua, thu nhập hàng năm trên 40 triệu đồng; hộ ông Nguyễn Văn Khuân, ấp Kim Quy A2, xã Vân Khánh Tây từ hộ nghèo của xã đã thoát nghèo nay đã vươn lên hộ khá giàu của xã.

 

Ảnh: Tổ hợp tác Nuôi lươn không bùn ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B.

 

Đặc biệt, một số hộ sử dụng nguồn vốn Ngân hàng CSXH thông qua các chương trình vay sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm đã vươn lên thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi như: hộ Phạm Hoàng Giang, ấp Kim Quy B; hộ Lý Văn Tùng ấp Mương Đào C, xã Vân Khánh, thu nhập bình quân hàng năm trên 80 triệu đồng. Hộ Nguyễn Hoàng Phi, ấp Kim Quy A, xã Vân Khánh là hộ nghèo của xã đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.

 

Ảnh: Tổ hợp tác Đan rập cua tại ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông.

 

Nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng CSXH, nhiều hộ nông dân đã có mối liên kết với nhau, tham gia các Tổ hợp tác sản xuất như: Tổ hợp tác Đan rập cua, có 6 thành viên tại ấp Phong Lưu, xã Vân Khánh Đông; Tổ hội Nghề nghiệp trồng màu tại ấp 9 Chợ, xã Đông Hòa; Tổ hội Nghề nghiệp Nuôi lươn không bùn tại xã Đông Hưng B có 4 thành viên…

Thông qua các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, các hộ sử dụng vốn để mua nguyên liệu, vật tư, con giống sản xuất số lượng nhiều, chi phí giảm, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo cho địa phương. Đồng thời, tăng cường các mối liên hệ tình làng nghĩa xóm, tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể hướng đến sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Hồng Vân-HND An Minh