Quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã và đang góp phần không nhỏ vào việc thay đổi toàn diện cả về lượng và chất trong lộ trình phát triển nông nghiệp của tỉnh, nhất là lĩnh vực nuôi biển.
Ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 3214/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030. Với định hướng phát triển là tập trung đầu tư phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên biển, nuôi nhuyễn thể vùng bãi triều, ven biển theo chiều sâu, nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn lợi thủy sản, kết hợp với tham quan du lịch. Hình thành các vùng nuôi biển tập trung có quy mô diện tích lớn phù hợp với thị trường, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu thủy sản uy tín, chất lượng cao.
Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Kiên Giang triển khai “Đề án phát triển nuôi biển bền vững đến năm 2030”, với mục tiêu thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại. Thực hiện công tác này, thời gian qua, Kiên Giang đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thuỷ sản phát triển theo hướng bền vững.
Ảnh: Điểm trình diễn mô hình chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng vật liệu HDPE tại xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên.
Đến Quý 1 năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh hơn 220.350 ha, đạt 57,5% kế hoạch, tăng 26,69% so với cùng kỳ; trong đó, nuôi tôm nước lợ 122.947 ha, với các loại hình thâm canh - bán thâm canh, tôm - lúa và quảng canh cải tiến; cá lồng bè trên biển 2.974 lồng; nhuyễn thể hơn 17.102 ha, với các loài hến, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa…; cua biển trên 65.064 ha và những loài thủy sản nuôi khác. Sản lượng khai thác và nuôi trồng đến quý 1 năm 2023 đạt 150.028 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 103.548 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 46.480 tấn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã tập trung xây dựng các dự án, chương trình nhằm thực hiện các mục tiêu mà tỉnh đề ra, bên cạnh đó chú trọng phát triển các mô hình chuyển đổi dần từ lồng nuôi truyền thống sang lồng vật liệu HDPE có độ bền cao (trên 50 năm), không gỉ sét, chống chịu tốt với điều kiện như sóng to (cấp 12), giông bão… nhằm giúp người dân nuôi cá giảm rủi ro thiệt hại do bão gây ra. Nhằm giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ hiện đại trong nuôi biển, ngoài việc thực nghiệm các mô hình, Trung tâm còn tổ chức mở các lớp tập huấn tuyên truyền, hội thảo, tham quan, tọa đàm tạo cơ hội tốt nhất để ngư dân gặp gỡ, giao lưu và trao đổi trực tiếp, hưởng chính sách ưu đãi từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển và ổn định thu nhập.
Ảnh: Dự án nuôi cá mú trân châu bằng lồng HDPE xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển diện tích mặt nước nuôi lồng là 7.000 ha, với 7.500 lồng, trong đó nuôi công nghệ cao 1.900 lồng. Sản lượng nuôi biển đạt 113.500 tấn, giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng. Thu hút khoảng 18.500 lao động vào lĩnh vực nuôi biển.
Giai đoạn đến năm 2030, tăng diện tích mặt nước nuôi lồng lên 16.000 ha, đạt 14.000 lồng nuôi, trong đó nuôi công nghệ cao 6.600 lồng. Sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, giá trị sản xuất đạt 19.487 tỷ đồng. Thu hút khoảng 47.700 người vào lĩnh vực hoạt động nuôi biển.
Vùng nuôi biển Kiên Giang bao gồm thành phố đảo Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (Kiên Lương), Tiên Hải (thành phố Hà Tiên), với các đối tượng như: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá chẽm, tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, ngọc trai… Vùng ven biển thành phố Hà Tiên, các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh, phát triển nuôi các đối tượng nhuyễn thể, như: sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa, hến biển, hàu, trồng rong, tảo biển.Đối với nuôi cá lồng bè trên biển, tỉnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư quy mô, ứng dụng công nghệ nuôi mới, thiết kế lồng bè có sức chống chịu tốt, nuôi xa bờ nhằm tận dụng tiềm năng mặt nước biển khơi chưa được khai thác, không bị ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường gần bờ. Song song dó, tổ chức sắp xếp lại các lồng bè nuôi cá thương phẩm trên biển nhỏ lẻ, phân tán, chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã…
Tổng nhu cầu vốn phát triển nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030 là 12.688 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 128 tỷ đồng, tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực ngành và nghiên cứu các đề tài khoa học phát triển nuôi biển.
Ảnh: Nuôi cá lồng bè tại Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương
Để thực hiện thành công đề án nuôi biển, cần thiệt hiện một số giải pháp cụ thể như:
- Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo.
- Tập trung thực hiện các khâu đột phá chiến lược, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế biển.
- Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án nuôi biển quy mô lớn gắn với chế biến sâu, nâng tỷ trọng nuôi biển trong cơ cấu ngành thủy sản.
- Có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng bền vững.
- Có chính sách hỗ trợ các hộ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, liên kết sản xuất theo hợp tác xã, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nuôi biển, các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.
- Tăng cường triển khai, thực hiện các dự án, đề án nuôi biển theo mục tiêu theo Quyết định số 3214/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.