4 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
(22:21 | 14/05/2023)

Kiên Giang, là tỉnh nằm trong vùng Tây Nam Bộ, có diện tích tự nhiên 634.613 ha, có 145 hòn đảo lớn nhỏ, có đường biên giới bộ giáp với Vương quốc Campuchia dài 56,8 km. Toàn tỉnh có 12/15 huyện, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, có 49 xã được phân định vùng DTTS, trong đó 02 xã khu vực III, 01 xã khu vực II (xã an toàn khu) và 46 xã khu vực I; có 15 ấp đặc biệt khó khăn. Dân số có 1.748.465 người, trong đó dân tộc Kinh có 1.487.331 người, chiếm tỷ lệ 85,06% tổng dân số toàn tỉnh; dân số là người DTTS có 261.134 người, chiếm tỷ lệ 14,94% (dân tộc Khmer có 230.500 người, chiếm 13,19%; người Hoa có 29.606 người, chiếm 1,69%; các DTTS khác 1.028 người, chiếm 0,06%).

Sau 04 năm, thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10-01-2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được những kết quả như quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và cơ sở về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer các Chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để xây dựng 68 công trình gồm cầu, đường giao thông; nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học… đã hỗ trợ cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7.582 hộ đồng bào Khmer, với kinh phí 9.856 triệu đồng, nâng cấp mở rộng 08 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng kinh phí gần 24.000 triệu đồng. Song song, đó thực hiện các chương trình, dự án đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bao gồm cầu, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, hệ thống thủy lợi trong vùng đồng bào Khmer với kinh phí gần 150.000 triệu đồng. Các chương trình tín dụng, đã hỗ trợ cho khoản 2.300 lượt hộ vay vốn để phát triển sản xuất, với số tiền 21.255 tỷ đồng, xét cho 8.957 lượt hộ vay vốn, với số tiền là 62.450 triệu đồng để xây dựng nhà ở, chuyển đổi ngành nghề, học nghề, tạo việc làm.v.v…

Thực hiện chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào ở các xã thuộc vùng khó khăn, tỉnh đã thực hiện cấp 258.000 lượt thẻ. Từ đó đời sống được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm nhanh, bình quân đạt từ 1,5-2%/năm. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống đã có thay đổi rõ rệt; 100% số xã có đường đến trung tâm; 80% ấp đặc biệt khó khăn có đường giao thông; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, lớp mẫu giáo, trong đó, 84,6% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 100% xã có trạm y tế; 100% số xã khó khăn có điện lưới đến trung tâm, với gần 99% số hộ được sử dụng điện; 98,7% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 100% xã đã phủ sóng phát thanh và sóng truyền hình.

 

Ảnh: Quang cảnh Hội nghị tổng kết công tác Dân tộc năm 2022 và sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10-01-2018 của Ban Bí thư (khóa XII).

 

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển văn hóa - xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer về văn hóa - xã hội, tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần III năm 2019, tại Đại hội đã được Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng Ban Dân tộc khen thưởng cho 87 tập thể và 297 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc. Thực hiện một số đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức 15 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho trên 1.798 lượt đồng bào DTTS và học sinh, trong đó có 1.570  lượt người Khmer; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 05 Hội nghị tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cho 440 lượt người, trong đó có 392 lượt Khmer.

Về giáo dục đã triển khai dạy tiếng dân tộc theo các quy định của Chính phủ về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 của Ủy ban nhân tỉnh Kiên Giang về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Thông tư số 24/2014/TT-BGDĐT ngày 25/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và cấp THCS; các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS dạy tiếng Khmer cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 8, mỗi tuần 3 tiết; trường PTDTNT, THPT dạy cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, mỗi tuần dạy 3 tiết; phần lớn giáo viên dạy tiếng Khmer tại các trường PTDTNT hiện nay là giáo viên hợp đồng thỉnh giảng hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Về văn hóa đã giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử. Toàn tỉnh có 76 chùa Khmer, trong đó nhiều chùa được trùng tu, sửa chữa khang trang. Riêng 8 Chùa tháp Khmer được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (di tích quốc gia: 05, di tích cấp tỉnh). Xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao ở vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước được đầu tư, hoàn thiện như nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhà truyền thống, thư viện, đội văn nghệ quần chúng, bưu điện văn hóa xã. Về y tế cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; các chương trình y tế quốc gia, các chính sách y tế được triển khai thực hiện, tỷ lệ xã thuộc vùng dân tộc đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 100% xã đặc biệt khó khăn có Trạm Y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh cho người dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 87,78% so với dân số.  Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; hoạt động bài trừ mê tín dị đoan và các phong tục, tập quán lạc hậu gắn kết giữa giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế như kết cấu hạ tầng nông thôn ở một số xã, ấp còn khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường; công tác giảm nghèo chưa thật sự bền vững, hộ nghèo là người Khmer ở một số địa phương còn chiếm tỷ lệ cao, nguy cơ tái nghèo còn diễn ra; một số chương trình, dự án đầu tư cho vùng đồng bào Khmer hiệu quả chưa cao, giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề để tăng thu nhập thiếu tính ổn định. Một số trường phổ thông ở vùng dân tộc gặp khó khăn trong việc huy động học sinh dân tộc học tiếng Khmer vì là môn học tự chọn; số trường phổ thông dạy tiếng Khmer ngày càng giảm, không được bố trí giáo viên. Một số loại hình di sản văn hóa đồng bào DTTS có nguy cơ mai một. Số người biết và có khả năng truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống ít đi. Các đội văn nghệ quần chúng do người dân tự thành lập đa số còn thiếu thiết bị âm thanh, nhạc cụ, kinh phí sinh hoạt. Tình hình an ninh, chính trị có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, vấn đề khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn xảy ra, có vụ kéo dài chưa giải quyết dứt điểm. Công tác lãnh đạo, quản lý của một số cấp ủy, chính quyền vùng có đông đồng bào Khmer có mặt còn hạn chế. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc Khmer chưa được quan tâm đúng mức, công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên còn gặp khó khăn; đội ngũ cán bộ dân tộc Khmer vùng có đông đồng bào còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số loại hình di sản văn hóa của người Khmer bị mất dần và không có nghệ nhân truyền dạy.

 

Ảnh: Đoàn thiện nguyện Y bác sĩ thành phố Hồ Chí Minh khám và tầm soát Ung thư cho phụ nữ dân tộc, nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành - năm 2022.

 

Để thực hiện tốt Chỉ thị 19-CT/TW ngày 10-01-2018 của Ban Bí thư (khóa XII) về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp cụ thể sau:

- Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

- Quan tâm hơn nữa việc đẩy mạnh đầu tư cở sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào Khmer.

- Cần thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa - xã hội ở vùng có đông đồng bào Khmer.

- Vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc Khmer.

- Xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer.

- Cần quan tâm hơn nữa trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Khmer, an ninh biên giới.

- Quan tâm đề xuất sớm ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng đã được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ người dạy chữ Khmer trong dịp hè và chữ Hoa tại các trường ngoài công lập, cơ sở tôn giáo (chùa Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Hỗ trợ hoạt động thể thao truyền thống và đội văn nghệ truyền thống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Phi Hùng-Trung tâm HTND&GDNN (HNDT)