ỨNG DỤNG BIOFLOC TRONG NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO SẼ GIẢM HÀM LƯỢNG KHÍ ĐỘC (NITRITE) VÀ TIẾT KIỆM LƯỢNG NƯỚC SỬ DỤNG
(22:59 | 09/07/2023)

Kết quả nuôi tôm tỉnh Kiên Giang năm 2022, đạt diện tích 143.352ha, tăng 4,98% so với năm 2021; sản lượng đạt 111.600 tấn, tăng 7,18% so với năm 2021. Trong đó: tôm công nghiệp có diện tích 3.882 ha, tăng 1% so với năm 2021; sản lượng ước đạt 38.830tấn, tăng 8,56% so với năm 2022; năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha.

Năng suất nuôi tôm công nghiệp bình quân chưa cao là do phần lớn diện tích nuôi theo phương thức truyền thống, theo kinh nghiệm, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT). Trong nuôi tôm công nghiệp truyền thống việc thay nước sẽ giúp đào thải trực tiếp khỏi môi trường ao nuôi nguồn nitơ thải ra từ thức ăn. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ gây nên sự ô nhiễm môi trường chung, tốn nhiều nước sạch (Ước tính cần 10 m3 nước sạch cho 1 kg tôm chân trắng thương phẩm) không tái sử dụng được nguồn dinh dưỡng bị đào thải, và không phù hợp với xu  hướng phát triển nghề nuôi tôm hiện nay là không ngừng cải tiến kỹ thuật, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn tiêu dùng, thân thiện môi trường và phát triển bền vững

Năm 2023, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủy sản trên thế giới giảm (đặc biệt là tôm nước lợ), sản lượng tồn kho lớn, các đối tác ngưng nhập khẩu thủy sản. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong nước gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng, ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất thủy sản, đặc biệt là ngành tôm nuôi. Nhưng được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành tôm tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch với sản lượng 120.500 tấn, trong đó: tôm chân trắng đạt 41.820 tấn, tăng 8,56% so với năm 2022.

Mặc dù tôm chân trắng được đánh giá là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn, năng suất cao hơn hẳn tôm sú, một số mô hình nuôi cải tiến đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, khi gia tăng diện tích và mật độ nuôi tôm thâm canh thì vấn đề ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là sự tích tụ các khí độc, trong đó có Nitrite trong ao nuôi tăng cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi. Hàm lượng Nitrite cao trong môi trường nước gây độc trên tôm nuôi, biểu hiện rõ nhất là lột xác không cứng vỏ, tôm chậm tăng trưởng, bị tổn thương mang, giảm ăn, nổi đầu, làm giảm chức năng miễn dịch và sức đề kháng nên dễ nhiễm các bệnh khác như phân trắng, EMS, hội chứng gan tụy cấp, đen mang, hoại tử cơ… Nitrite trong ao quá cao, tôm có thể chết hàng loạt hoặc chết rải rác vào buổi sáng sớm và lúc chiều tối. 

 

Ảnh: Kiểm tra mô hình nuôi tôm tại ấp 6 biển, xã Nam Thái, huyện An Biên.

 

Ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi tôm công nghiệp sẽ giữ cho chất lượng nước trong ao nuôi luôn ổn định, hạn chế tối thiểu việc thay nước (cần 5,37m3 nước sạch cho 1 kg tôm chân trắng thương phẩm – kết quả thực hiện các mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp biofloc của Chi cục Thủy sản), thay vào đó, việc xử lý chất thải được thực hiện ngay bên trong hệ thống nhờ vào vai trò của các vi sinh vật dị dưỡng.

Lợi ích của Biofloc là chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chất thải hữu cơ thành nguồn protein của tôm. Khoảng 20-30% nitrogen trong thức ăn được đồng hóa hấp thu bởi tôm, khoảng 70-80% nitrogen trong chất thải ra môi trường, trong hệ thống Biofloc, phần lớn lượng nitrogen này được vi sinh vật sử dụng và nó là thành phần chính của các hạt Biofloc.

Sử dụng rỉ mật đường đúng phương pháp, tạo và duy trì thể tích floc trong ao nuôi tôm, giảm đáng kể lượng nitrogen trong ao nuôi nhờ hoạt động của các hạt biofloc, sẽ giúp người nuôi tôm giảm thấp chi phí thức ăn và chi phí cho việc bơm, xử lý nước, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt.

Để hạn chế phát sinh khí độc Nitrite trong nuôi tôm, cần có biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu bằng cách sử dụng rỉ mật đường bổ sung thêm lượng carbohydrate, nhằm cân đối tỷ lệ C:N trong việc kiểm soát nitrogen vô cơ đã được thực hiện thành công trong nuôi tôm chân trắng trong ao bằng mô hình nuôi tôm ít thay nước với tỷ lệ C:N=20:1. Ứng dụng này có thể giảm chi phí thức ăn từ 10 - 25%.

Áp dụng công thức tính rỉ mật đường, duy trì tỉ lệ C:N = 20:1 của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, lượng rỉ mật đường cần bổ sung vào ao nuôi được tính dựa theo công thức:

∆N = WTA x %PrTA x 0,08

∆C = 20 x ∆N

∆CH = ∆C : 50%

Trong đó:∆N: Lượng nitơ có trong thức ăn; ∆C: Cacbon cần bổ sung; ∆CH: Lượngcarbohydrate cần bổ sung; WTA: Lượng thức ăn cho ăn hàng ngày; %PrTA: Protein trong thức ăn; 20: là tỉ lệ C/N cần cung cấp là 20:1

 

Ảnh: Thả giống mô hình nuôi tôm tại khu phố 5, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên.

 

Chi cục Thủy sản đã triển khai thành thành công 13 mô hình áp dụng công thức trên để bổ sung rỉ mật đường đúng phương pháp tại 7 huyện/TP: Giang Thành, Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận và  đạt được kết quả tương đối khả quan, cụ thể:

- Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) tại các mô hinh trình diễn giảm từ 1,3 còn 1,13, tương đương với việc cung cấp 1,13 kg thức ăn cho ao tôm sẽ thu được 1kg tôm thương phẩm, giảm 0,17 kg tương ứng với giảm 13,1% lượng thức ăn so với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phổ biến ở địa phương.

- Hàm lượng Nitrite trong ao nuôi tại các mô hình trình diễn trong điều kiện ít thay nước từ ngày thứ 61 đến khi thu hoạch cũng giảm một lượng đáng kể, hàm lượng trung bình chỉ còn 3,5mg/l so với các mô hình nuôi công nghệ cao, phổ biến ở tháng thứ 3 luôn tồn tại Nitrite ở mức cao>5mg/l, mặc dù đã tích cực thay nước.

- Rút ngắn thời gian nuôi còn 80 ngày, với cỡ tôm trung bình đạt 50 con/kg. Thời gian nuôi ngắn hơn là 20 ngày so với mục tiêu đề ra (100 ngày)

- Tiết kiệm nước : qua  1 vụ nuôi, các mô hình sử dụng thể tích nước dao động từ 22.300 – 54.660m3 nước/1600m2. Để sản xuất 1 kg tôm chân trắng cần sử dụng trung bình 5,37 m3/kg tôm thương phẩm, giảm 4,63 m3nước, tương ứng với 46,3% nước sử dụng so với hình thức nuôi truyền thống (mô hình nuôi truyền thống sử dụng 10m3 nước để sản xuất 1kg tôm cỡ 50 con/kg).

- Cải thiện năng suất: năng suất dao động từ 24,7 -51,3 tấn/ha, năng suất bình quân đạt 32,9 tấn/ha, cao hơn so với mục tiêu đề ra (25 tấn/ha) là 7,9 tấn/ha và gấp 3,3 lần năng suất tôm công nghiệp bình quân của tỉnh năm 2022.

- Nâng cao giá trị tôm thương phẩm: cỡ tôm thu hoạch giao động từ 50 – 22 con/kg, kích cỡ thu hoạch trung bình 42 con/kg, lớn hơn so với mục tiêu đề ra là 8 con/kg, nâng cao giá trị thương phẩm từ 20 – 30%.

Việc bổ sung rỉ mật đường duy trì tỉ lệ C:N=20:1 ở các mô hình nuôi thực hiện khá phù hợp ở giai đoạn ương tôm từ 1- 25 ngày tuổi và giai đoạn nuôi thương phẩm chỉ bổ sung  lượng carbon thấp, duy trì tỉ lệ C:N=10:1, sẽ giúp môi trường ao luôn ổn định, giảm hàm lượng khí độc, tiết kiệm nước giúp môi trường luôn ổn định, tránh hiện tượng gây ô nhiễm do floc phát triểm mạnh.

Với sản lượng tôm công nghiệp đạt 41.820 tấn năm 2023, nếu áp dụng theo mô hình này sẽ giảm được lượng thức ăn đáng kể 7.122 tấn (13,1%) thức ăn. Đồng thời, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nước, giảm thiểu nước thải nuôi tôm công nghiệp góp phần thúc đẩy nuôi tôm công nghệ cao tỉnh Kiên Giang phát triển bền vững.                                        

ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga-Chi cục Thủy sản Kiên Giang