Vừa qua, được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã có nhiều giải pháp trong hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân huyện Giang Thành đã chọn ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ và ấp Tà Teng, xã Phú Lợi, là 2 ấp có đông đồng bào dân tộc Khrme sinh sống để thực hiện mô hình sinh kế chăn nuôi gia cầm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, mô hình sinh kế cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ và ấp Tà Teng, xã Phú Lợi. Tại đây, Hội đã trao 700 con gà nòi ô tía cho 7 hộ đăng ký nuôi gà và 300 con vịt xiêm Pháp cho 3 hộ đăng ký nuôi vịt. Ngoài ra Hội còn hỗ trợ 750 kg thức ăn, thuốc thú y các loại phòng bệnh trên gà, vịt cho 10 hộ tham gia mô hình với tổng số tiền trên 52 triệu đồng.
Ảnh: Đàn gà con, giống Ô Tía được hỗ trợ từ mô hình sinh kế (tại thời điểm giao giống 14 ngày tuổi).
Hằng tuần, Hội Nông dân xã phối hợp Tổ kinh tế xã xuống ấp hướng dẫn các hộ dân trong mô hình cách vệ sinh chuồng trại, cũng như tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách phòng ngừa bệnh, trị bệnh, cách nhận biết một số bệnh thường gặp trên đàn gia cầm… Qua kiểm tra, theo dõi quá trình nuôi của 10 hộ; từ thời điểm giao con giống 14 ngày tuổi đến nay 45 ngày tuổi, trung bình đàn gà trọng lượng từ 500g - 1.3kg, tỷ lệ sống đạt trên 80%; đàn vịt trọng lượng từ 1kg - 1.5kg, tỷ lệ sống đạt trên 77% đang phát triển tốt; dự kiến khoảng 3 tuần nữa xuất bán một số con đạt trọng lượng. Từ đó, cho ta thấy đến khi xuất bán các hộ nuôi đã có vốn để quay vòng mua thêm gà giống, vịt giống tiếp tục tái đàn.
Ảnh: Đàn vịt con, giống xiêm Pháp được hỗ trợ từ mô hình sinh kế (tại thời điểm giao giống 14 ngày tuổi).
Từ hỗ trợ mô hình sinh kế trên đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng cơ hội để người dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật chăn nuôi mới, thay đổi tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số hộ nuôi chia sẻ kinh nghiệm: Nhờ có mô hình sinh kế chăn nuôi gia cầm của Hội cấp trên và buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi mà nhiều hộ nuôi, nắm rõ hơn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi gia cầm vận dụng vào thực tế. Trong quá trình nuôi bà con nhận thấy vịt xiêm Pháp và gà Ô Tía rất dễ nuôi, mau lớn, có sức đề kháng cao.
Ảnh: Đàn vịt, giống xiêm Pháp được hỗ trợ từ mô hình sinh kế (được 45 ngày tuổi).
Với kết quả đạt được từ mô hình sinh kế chăn nuôi gia cầm tại 2 ấp Trần Thệ và Tà Teng, đã giúp các hội viên nông dân từng bước thay đổi nhận thức và phương thức chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó Hội Nông dân huyện mong rằng trong thời gian tới, được sự quan tâm của ngành trong tỉnh, đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh để mô hình chăn nuôi gia cầm được nhân rộng ra cho nhiều hộ nông dân khó khăn khác trên địa bàn để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững ở địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.