Canh tác 10ha vườn với khoảng 1.250 gốc sầu riêng và 1.800 gốc nhãn Indo chuẩn bị cho thu hoạch nên việc chăm sóc vườn để cây phát triển tốt luôn được ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng) trăn trở. Trước đây, phun thuốc cho vườn cây ăn trái được ông Phong thực hiện bằng thủ công. Cách làm này khiến thuốc dễ bị trôi, bám vào người phun, vừa lãng phí thuốc vừa gây hại cho sức khỏe, môi trường. “Tôi đầu tư 1 tỷ đồng sắm hai máy bay không người lái. Dùng máy bay phun thuốc cho sầu riêng và nhãn rất hiệu quả, nhất là xử lý cho lá không bị sâu rầy. Ngoài chăm sóc vườn nhà, tôi còn nhận làm dịch vụ cho bà con để tăng thu nhập”, ông Phong cho hay.
Những chiếc máy bay không người lái bay lượn phun thuốc trên các cánh đồng, vườn cây ăn trái ngày càng quen thuộc với nông dân huyện Giồng Riềng. Đây là một trong những bước tiến ứng dụng cơ giới hóa sản xuất, giúp giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí. Hiện huyện có 70 máy bay phun thuốc, 654 máy xới, 431 công cụ sạ hàng, 11.073 máy bón phân, 270 máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa đạt 100%.
Ảnh: Ông Nguyễn Văn Đầy (bìa phải) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng) thăm mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng nhãn Indo của ông Nguyễn Thanh Phong.
Giồng Riềng có 57.200ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 46.600ha đất sản xuất lúa. Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp huyện đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, lĩnh vực nông nghiệp đã chuyển dịch hiệu quả. Từ một huyện tưởng chừng chỉ có cây lúa, huyện đáng phát triển mạnh những vườn cây ăn trái đặc sản chuyên canh như măng cụt, sầu riêng, dâu… là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn giúp người dân tăng thu nhập. Hiệu quả sản xuất của huyện không ngừng tăng lên, giá trị sản xuất từ 70-90 triệu đồng/ha năm 2015 đến nay tăng lên 100-120 triệu đồng/ha.
Đồng chí Cao Quốc Điện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết: “Huyện có 27 loại mô hình sản xuất hiệu quả với 658ha. Mô hình lợi nhuận thấp nhất cũng từ 250-350 triệu đồng/năm, cao nhất đạt 1 tỷ đồng/năm. Một số mô hình liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đây là điểm mới so với 5-10 năm trước đây. Có thể khẳng định sau gần 8 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay việc xác định từng vùng, tiểu vùng sản xuất ở huyện cơ bản phù hợp”.
Ảnh: Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng) trao đổi với cán bộ nông nghiệp xã về mô hình chuyển đổi từ ruộng trồng lúa sang vườn sầu riêng của gia đình.
Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp huyện vừa được Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện còn nổi lên một số hạn chế. Cụ thể, việc chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao còn chậm; chưa có vùng trồng cây nông nghiệp quy mô lớn có giá trị gia tăng gắn với thương hiệu sản phẩm. Có ý kiến đề xuất huyện cần thực hiện tốt hơn nữa việc xây dựng mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp để rộng đường đưa nông sản huyện nhà xuất khẩu.
Để tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Hiền – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng cho rằng: “Trong bối cảnh hội nhập, việc sản xuất riêng lẻ từng hộ không còn phù hợp mà cần phải hợp tác, chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị. Hiện nay không chỉ cơ quan quản lý nhà nước nắm vững các quy định, quy trình canh tác mà nông dân cũng phải biết được những quy định, luật lệ xuất khẩu hàng hóa nông sản của thế giới để chủ động thích ứng”.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Hiền, huyện đã và đang khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo hình thức trang trại, liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Huyện chú trọng hình thành vùng sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp đạt 3 thế mạnh gồm ngon, tốt cho sức khỏe, an tâm và an toàn, hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tất cả các xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP.