Vai trò của hội viên nông dân nữ trong tham gia phát triển kinh tế tập thể
(14:19 | 30/11/2023)

Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) đã trở thành một chủ đề rộng khắp trong phong trào sản xuất hiện nay của người nông dân. Ở tỉnh Kiên Giang đã trở thành chủ trương lớn, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự hỗ trợ tạo điều kiện của các cấp, các ngành; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xuất hiện nhiều mô hình KTTT do hội viên nông dân nữ trực tiếp tham gia thành lập, quản lý, điều hành. Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển KTTT cho khu vực này.

Điển hình những mô hình hoạt động hiệu quả như: Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, huyện Vĩnh Thuận; HTX thủ công mỹ nghệ Thuận Phát, huyện Gò Quao; HTX Phụ nữ Cỏ Bàng Phú Mỹ, huyện Giang Thành; HTX sản xuất, dịch vụ Kinh 10, huyện U Minh Thượng; HTX Nuôi trồng thủy sản Thanh Hoa, huyện Kiên Hải... đã và đang tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, phát huy vai trò của hội viên nông dân nữ, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế.

Tính đến thời điểm hiện tại, số mô hình KTTT do hội viên nông dân nữ vận động, hỗ trợ thành lập, quản lý có 34 HTX và hàng trăm tổ hợp tác (THT); đa phần là các HTX, THT hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng. Để xây dựng và hỗ trợ các mô hình trên hoạt động hiệu quả, thời gian qua các cấp Hội nông dân đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân nữ sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết, nội dung phong phú phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của chị em hội viên nữ.

Tranh thủ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ nguồn lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân nữ khởi nghiệp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Qua đó, phát huy vai trò của hội viên nông dân nữ trong phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là HTX. Từ đó, đã giúp hội viên nông dân nữ mạnh dạn hơn chuyển đổi mô hình từ kinh tế cá thể sang KTTT.

Điều đáng nói, mặc dù số mô hình KTTT do hội viên nông dân nữ vận động, hỗ trợ thành lập, quản lý còn ít, nhưng số lượng tham gia làm thành viên HTX, THT ngày càng tăng, đặc biệt là các mô hình HTX, THT phi nông nghiệp. Lao động trong các HTX, THT phi nông nghiệp hơn 70% là nữ, chính vì vậy đã tạo nhiều điều kiện cho việc phát huy vai trò, năng lực của phụ nữ trong quá trình hoạt động HTX, THT.

Đặc biệt, tại các HTX, THT do hội viên nông dân nữ quản lý đa phần khá chặt chẽ về tổ chức; xây dựng điều lệ, nội quy, quy chế hoạt động một cách rõ ràng. Trong điều hành, quản lý HTX, THT luôn thể hiện tính hệ thống; việc tham gia sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả cao. Như vậy, có thể thấy vai trò của hội viên nông dân nữ rất quan trọng trong việc phát triển KTTT nói chung và HTX, THT nói riêng.

 

Ảnh: Hỗ trợ hội viên nông dân nữ tham gia các khóa đào tạo nghề nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá nhìn nhận một cách thực tế khách quan, tỷ lệ nữ giữ các chức vụ quản lý, điều hành trong các mô hình KTTT còn rất thấp. Tỷ lệ lao động là hội viên nông dân nữ không có tay nghề chiếm trên 80% tổng số lao động nữ làm việc trong HTX, THT. Khoảng 10% lao động là hội viên nông dân nữ được tham gia các khóa đào tạo nghề và hầu hết là các nghề đơn giản, đào tạo ngắn hạn. Ngoài ra, lao động là hội viên nông dân nữ trong HTX, THT chủ yếu trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi tiêu hao nhiều sức lực, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ. Tuy vậy, rất ít được hưởng chế độ so với các khu vực khác, mặc dù luật đã quy định cụ thể, chi tiết các chính sách ưu tiên đối với lao động nữ, bao gồm tham gia bảo hiểm, thai sản, công việc nặng nhọc, độc hại, nghỉ lễ, tết...

Phần lớn cán bộ, hội viên nông dân nữ tại các HTX, THT còn hiểu rất mơ hồ về KTTT và vấn đề kinh tế thị trường nên chưa thấy được vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, gia đình để chủ động khai thác các tiềm năng, lợi thế. Một vài HTX, THT còn tư tưởng trông chờ, phụ thuộc vào Nhà nước cả trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Kiến thức, năng lực quản lý, điều hành của cán bộ ở các THT, HTX còn hạn chế, vì vậy chưa linh hoạt trong việc tạo điều kiện hoạt động cho các chị em hội viên nông dân nữ.

Để nâng cao vai trò của hội viên nông dân nữ trong phát triển KTTT cần những giải pháp sau:

 

Ảnh: Các mô hình KTTT do hội viên nông dân nữ quản lý đa phần khá chặt chẽ về tổ chức.

 

Thứ nhất, Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân nữ về lợi ích, sự cần thiết tham gia KTTT, liên kết trong sản xuất, mức độ ảnh hưởng của các mô hình KTTT đối với nền kinh tế thị trường hiện nay.

Thứ hai, Hội nông dân các cấp tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép một số dự án hỗ trợ thành lập thêm mô hình HTX, THT do hội viên nông dân nữ quản lý trên địa bàn tỉnh, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc tham gia phát triển KTTT. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ vốn sản xuất nhằm tạo điều kiện để hỗ trợ để hội viên nông dân nữ phát triển nghề nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao năng lực hoạt động của các THT do hội viên nông dân nữ quản lý để đủ tiềm lực nâng lên thành HTX kiểu mới. Vận động hội viên nông dân nữ xây dựng, phát triển mô hình HTX, THT trên cơ sở gắn với các hoạt động sản xuất thường xuyên và có quy mô tương đối.

Thứ tư, Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực quản trị, kiến thức sản xuất, kinh doanh cho đội ngũ cán bộ quản lý THT, HTX; hỗ trợ thủ tục pháp lý thành lập các THT, HTX.

Thứ năm, nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các THT, HTX tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, định hướng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT.

Phạm Thành Trăm-PCT Liên minh HTX